QC 1
Thứ 4, ngày 11/09/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng đua tăng lãi suất huy động, doanh nghiệp khó cửa vay vốn rẻ

Mặc dù các ngân hàng vẫn niêm yết mức lãi suất tiền gửi ổn định như hồi đầu năm, song thực tế sẽ tặng thêm lãi suất, quà ở bên ngoài… Chi phí huy động tăng cao khiến cho nhà băng khó lòng giảm lãi suất cho vay trong nửa cuối năm.    

Theo chị Hương, một khách hàng vừa gửi tiền tiết kiệm vào một phòng giao dịch của ngân hàng K, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn được niêm yết công khai hiện vẫn giữ nguyên so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, khi vị khách hàng lăn tăn lựa chọn giữa gửi kì hạn 3 tháng hay 6 tháng, với mức lãi suất là 5.5%/năm và 6.8%/năm, thì nhân viên ngân hàng đã khuyến khích chị chọn gửi kỳ hạn 6 tháng. Vì sẽ được tặng thêm lãi suất nên lãi suất thực nhất lên tới 7.1%/năm.

Mức lãi suất này tương đương với lãi suất của kỳ hạn 12 tháng ở nhóm ngân hàng quốc doanh, khiến cho việc huy động của ngân hàng nhóm nhỏ có sức cạnh tranh hơn.

Lãi suất huy động thường “nóng” vào 6 tháng cuối năm để hút vốn phục vụ nhu cầu cho vay

Không chỉ ngân hàng K, mà gần đây nhiều ngân hàng ngoài quốc doanh đồng loạt nâng lãi suất tiền gửi thông qua các hình thức tặng quà, tặng tiền, cộng thêm lãi suất… để hút vốn phục vụ cho mùa kinh doanh cuối năm.

Theo khảo sát, lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 1 tháng hiện phổ biến ở mức 4,3-5,5%/năm. Trong đó, có 8 ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, tăng 0,3% so với cuối năm 2018.

Mức độ cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng thể hiện rõ nhất ở kỳ hạn gửi 6 tháng với chênh lệch lên tới 3%. Hai ngân hàng là Nam A Bank và SCB đưa ra lãi suất tiền gửi cao nhất là 8%.   

Từ kỳ hạn 12 tháng trở lên, các ngân hàng đều cạnh tranh gay gắt để hút nguồn vốn trung hạn. Cụ thể, Có tới 11 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 8%/năm và cao nhất là ở VIB với mức lãi suất 8,6%/năm (áp dụng cho khách hàng gửi kì hạn 12 tháng với số tiền gửi 500 tỉ đồng trở lên). 

Còn kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Viet Capital Bank và TPBank cùng niêm yết ở mức 8,6%/năm.

Cuộc đua tăng lãi suất ở thị trường 1 khá ổn định, nhích dần theo nhu cầu vốn của mỗi ngân hàng.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhích tăng 0,12-0,13 điểm%, hiện ở mức 3,28%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,4% với kỳ hạn 1 tuần. Chênh lệch lãi suất qua đêm của VND-USD là 0,83%.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 10-14/6/2019 của Công ty Chứng khoán SSI công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 5.650 tỷ đồng thông qua tín phiếu đáo hạn; kênh thị trường mở (OMO) không phát sinh giao dịch và duy trì số dư bằng 0.

Trong khi huy động vốn nửa đầu năm 2018 khá tốt, thì 5 tháng đầu năm nay, các ngân hàng khó khăn hơn khi hút vốn, tăng trưởng huy động luôn thấp hơn so với tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, đối với trung và dài hạn 9-11%/năm. Song tăng trưởng tín dụng cuối tháng 5/2019 là 5,74%, khá thấp so với mục tiêu tăng 14% của cả năm nay.

Theo đánh giá của SSI, áp lực huy động vốn với các ngân hàng thương mại vẫn cao và lãi suất huy động sẽ khó giảm, nhất là ở các kỳ hạn dài. Nếu có giảm lãi suất thì cũng chỉ giới hạn ở các kỳ hạn ngắn. Các ngân hàng thương mại cũng muốn kéo dãn chênh lệch giữa kỳ hạn ngắn và dài để tạo sự hấp dẫn cho kỳ hạn dài, từ đó tăng tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn.

Thực tế, thời điểm tháng 6, nhiều ngân hàng thường đẩy mạnh huy động vốn để chuẩn bị nguồn vốn chủ động cho kế hoạch tăng tín dụng trong nửa cuối năm. Nhất là nhu cầu tín dụng luôn tăng đột biến vào các tháng cuối năm và dịp cận tết, nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chi trả lương, thanh toán công nợ… Do đó, ngân hàng dự phòng thanh khoản vốn, cũng đồng thời tranh thủ huy động vốn giá rẻ ở thời điểm nay để sẵn sàng có nguồn cho vay khi vào mùa tín dụng tăng “nóng”.

Khi mặt bằng lãi suất dâng cao trong bối cảnh nhiều ngân hàng phải tốn thêm chi phí “ngoài” để huy động vốn thì lãi suất cho vay cũng sẽ bị đẩy lên cao, khó giảm như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Theo Hải Hà/Kinh tế môi trường