QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãi vay tiêu dùng cao gấp 4 lần ngân hàng

Kỳ vọng các công ty tài chính sẽ là kênh cung cấp vốn cho người dân nhằm hạn chế tín dụng đen, nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng của các đơn vị này vẫn đang rất cao, trung bình cao gấp 4 lần so với các ngân hàng.

Mặc dù thủ tục đơn giản, xét duyệt hồ sơ vay tiền mua hàng trả góp của các công ty tài chính (CTTC) khá nhanh chóng, nhưng lãi suất vay vẫn còn rất cao so với các ngân hàng. Vì vậy, trong cuộc chiến chống tín dụng đen hiện nay, các chuyên gia kinh tế và bản thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều kỳ vọng đây sẽ là “cánh tay nối dài” của hệ thống nhà băng nhằm hỗ trợ cho người dân vay tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.

Ảnh minh họa

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 16 CTTC tập trung cho vay tiêu dùng mua hàng trả góp ở các cửa hàng kinh doanh điện thoại, xe máy, hàng điện tử gia dụng… Theo kết quả khảo sát của NHNN thực hiện tại 7 địa phương về hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng, mức lãi suất phổ biến mà các công ty này áp dụng từ 40 – 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm tùy theo sản phẩm.

Ngoài các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, một số doanh nghiệp cũng thực hiện cho vay tiêu dùng tràn lan với lãi suất ‘đội trời’. Tình trạng cho vay lãi suất cao, kiểu đòi nợ “không văn minh” của các CTTC đã được phản ánh nhiều.

Đáng nói là chuyện mập mờ lãi, phí khi nhân viên tư vấn cam kết mức lãi suất chỉ từ 1 – 2%/tháng nhưng thực tế lãi suất trên hợp đồng lên đến hơn 6%/tháng… Số lượng khiếu nại mà cơ quan này nhận được chủ yếu tập trung vào nhóm CTTC như cung cấp thông tin không chính xác, rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng liên tiếp cảnh báo và nhận định, trong khi lãi suất cho vay mua hàng trả góp của các ngân hàng thương mại trung bình từ 20 – 25%/năm, thì mức lãi suất của các CTTC từ 55 đến trên 84%/năm.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương): Thời gian gần đây, thị trường VN ghi nhận sự phát triển nhanh chóng và bùng phát của các mô hình cho vay trực tuyến. Trong đó có một số mô hình cho vay trên cơ sở kết hợp giữa công ty tư vấn và công ty dịch vụ cầm đồ. Các công ty đã lập lờ khi quảng bá như “đơn vị cho vay trực tuyến”; “công ty tài chính”; “cung cấp khoản vay nhanh” gây hiểu nhầm cho người đi vay về việc được phép cung cấp dịch vụ cho vay. Nhưng các công ty này chỉ được phép cung cấp dịch vụ tư vấn mà không có chức năng cho vay. Đặc biệt, các doanh nghiệp này không cung cấp rõ ràng, đầy đủ về các chi phí phát sinh từ khoản vay. Bên cạnh lãi suất còn hàng loạt phí khác như tư vấn, phí thẩm định tài sản, phí lưu giữ tài sản, phí quản lý hồ sơ… Tổng cộng các mức phí này thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả. Do đó, người tiêu dùng trước khi chấp nhận vay phải nghiên cứu kỹ các điều khoản của bên vay đưa ra. Đặc biệt như lãi suất vay là bao nhiêu, cách thức tính ra sao và thanh toán như thế nào, thời hạn thanh toán…

Theo Thu Hoài/Thời báo chứng khoán