QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lọc hóa dầu Bình Sơn tiếp tục nộp ngân sách khủng năm 2018

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Theo đó, năm 2018, BSR sản xuất và xuất bán trên 7 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu đạt trên 112.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.600 tỷ đồng. BSR trở thành một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có doanh thu và nộp ngân sách Nhà nước nhiều nhất.

Năm 2018 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng, BSR là đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam IPO thành công vào ngày 17/01/2018 tại Sàn GDCK TP.HCM với hơn 242 triệu cổ phiếu, tương đương 8% số cổ phần của BSR đã được bán hết cho các nhà đầu tư, thu về cho Nhà nước 5.420 tỷ đồng, cao hơn 53,5% so với dự kiến.

Năm 2019 là năm thứ hai BSR hoạt động trong mô hình công ty cổ phần, trọng tâm sản xuất kinh doanh vẫn là vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả ở 105 – 107% công suất thiết kế; tối ưu năng lực hiện có, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; chủ động thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo đề án được phê duyệt; đẩy mạnh triển khai Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; công tác an sinh xã hội…Ngày 01/03/2018, cổ phiếu BSR được đăng ký giao dịch trên thị trường UpCOM và là tâm điểm của các nhà đầu tư. Ngày 21/06/2018, BSR đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu thành công và chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào ngày 01/07/2018.

Trên thị trường chứng khoán, tại thời điểm 14h15′ chiều ngày 25/03, giá cổ phiếu BSR ghi nhận ở mực 12.800 đồng/cổ phiếu, giảm 3% so với giá mở cửa với 1.493.000 đơn vị được khớp lệnh.

Chịu áp lực cạnh tranh lớn năm 2019

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành thương mại, đồng nghĩa với việc từ năm 2019, nguồn cung xăng dầu nội địa của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu trong nước, cộng với việc có tới 27 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được cấp phép, khiến Nhà máy lọc dầu Dung Quất do Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vận hành chịu áp lực cạnh tranh lớn trong năm 2019.

Hiện nay, nguồn dầu thô phục vụ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chủ yếu là nguồn dầu thô trong nước (dầu ngọt Bạch Hổ và các chủng loại dầu tương đương, chiếm khoảng 90%) và dầu thô nhập khẩu chiếm 10%. Trong khi đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ Kuwait.

Theo thông lệ mua bán dầu thô trên thế giới, bên mua và bên bán sử dụng một loại dầu chuẩn để làm tham chiếu giao dịch. Dầu thô Việt Nam đang sử dụng dầu chuẩn Dated Brent để giao dịch, còn đối với dầu thô từ Kuwait sử dụng dầu chuẩn Dubai và Oman làm tham chiếu do Tạp chí Platt’s công bố trong các hợp đồng mua bán dầu thô.

Thực tế, lượng hàng nhập khẩu từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đã tăng đáng kể trong vòng 3 năm qua, đặt biệt là mặt hàng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (thuế nhập khẩu 10%, các khu vực thị trường khác 20%) và dầu DO nhập khẩu từ các nước ASEAN (thuế nhập khẩu 0%, các thị trường khác 5 – 7%). Điều này cho thấy, nguồn cung xăng dầu trong khu vực khá dồi dào và cạnh tranh mạnh mẽ với hàng xăng dầu nội địa từ các nhà máy lọc dầu trong nước.

Theo Minh Thuận/Thời báo chứng khoán