QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Một cổ phiếu thủy sản liên tiếp “tím lịm” , lãnh đạo nói không biết nguyên nhân

Trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hôm qua (12/3), lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản này cho biết công ty hoạt động bình thường, không có bất kỳ sự thay đổi nào trong thời gian gần đây…

Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/3, cổ phiếu ICF của Công ty CP Đầu tư Thương mại Thuỷ sản (UPCOM: ICF) tiếp tục “tím lịm” với trạng thái “trắng bên bán”, qua đó đưa thị giá lên mức 8.500 đồng/cổ phiếu. Đà tăng của cổ phiếu này bắt đầu từ ngày 29/2 và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.

Suốt giai đoạn này, mỗi phiên giao dịch ICF đều tăng hết biên độ 15%. Nhờ đó, thị giá nhảy vọt từ vùng 2.400 đồng lên 8.500 đồng như hiện tại, tương ứng mức tăng khoảng 3,5 lần. Tính theo mức giá hiện tại, vốn hoá thị trường của doanh nghiệp thủy sàn này vào khoảng 108 tỷ đồng.

Đà tăng của cổ phiếu này bắt đầu từ ngày 29/2 và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại

Trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hôm qua (12/3), bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư thương mại thuỷ sản cho biết công ty hoạt động bình thường, không có bất kỳ sự thay đổi nào trong thời gian gần đây.

“Công ty không biết nguyên nhân giá cổ phiếu tăng”, bà Xuân viết.

Không chỉ biến động mạnh về thị giá, khối lượng giao dịch cũng nhảy vọt. Trước đây, mỗi phiên giao dịch của ICF thường chỉ có khoảng 20.000 cổ phiếu sang tay, nhưng trong giai đoạn thị giá tăng nóng thì khớp lệnh mỗi phiên đều đạt hơn 300.000 cổ phiếu. Đỉnh điểm trong giai đoạn này có phiên khối lượng khớp lệnh đạt hơn nửa triệu đơn vị.

Theo tìm hiểu, thời gian gần đây doanh nghiệp này không có nhiều thông tin mới được công bố. Lần gần nhất công ty công bố thông tin là ngày 8/3 với mục đích lập danh sách cổ đông tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên.

Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản được thành lập ngày 1/9/1999. Trong đó, ngày 29/11/2006, được đăng ký giao dịch cổ phiếu phổ thông tại HNX và đã giao dịch phiên đầu tiên ngày 18/12/2006; ngày 18/12/2007, chính thức giao dịch phiên đầu tiên tại HoSE, sau khi chuyển niêm yết từ HNX, giá tham chiếu là 30.200 đồng/cp.

Tuy nhiên, ngày 13/5/2019, cổ phiếu ICF bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và ngày 20/05/2019, cổ phiếu chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 900 đồng/cp.

Về kết quả kinh doanh, năm 2023, ICF có doanh thu 51 tỷ đồng, giảm 16% so với mức 61 tỷ đồng của năm trước. Tuy nhiên, điểm tích cực là công ty ghi nhận lãi trước thuế đạt 287 triệu đồng, trong khi năm trước lỗ 900 triệu đồng. ICF có tổng tài sản 194 tỷ đồng, thay đổi không nhiều so với đầu kỳ. Công ty đang lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 88 tỷ đồng.

Thời điểm cuối tháng 2/2024, các cổ phiếu thủy sản nổi bật như ANV, ASM, IDI, VHC cũng thu hút sự chú ý khi lọt top cổ phiếu tăng thanh khoản tốt nhất sàn HoSE. Trong xu hướng dòng tiền gia tăng, nhóm thủy sản tăng giá tốt trong tuần qua, các mã này đều ghi nhận mức tăng giá trên dưới 10%. VHC có thị giá tăng tới 14%.

Được biết, diễn biến tích cực của nhóm thủy sản diễn ra trong bối cảnh ngành đã có tín hiệu lạc quan hơn với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023. Mức sụt giảm này vẫn là con số tích cực vì tháng 2 năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi cá tra cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%.

Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm cho biết đến hết tháng 2, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt xấp xỉ 460 triệu USD. Xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia…

Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt, trong khi nước xuất khẩu cạnh tranh là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng Biển Đỏ cũng khiến cho nhập khẩu tôm Ecuador vào Trung Quốc sụt giảm.

Trong tháng 1, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ tăng, tạo thêm cơ hội cho tôm Việt Nam.

Theo Linh Đan/Kinh tế Chứng khoán