Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/var/lib/mariadbtmp/#sql_6f23_0.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /home/openstock.vn/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 2024

Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/var/lib/mariadbtmp/#sql_6f23_0.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /home/openstock.vn/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 2024
Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/var/lib/mariadbtmp/#sql_6f23_2.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /home/openstock.vn/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 2024
class="post-template-default single single-post postid-271609 single-format-standard wp-custom-logo">
QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng ‘0 đồng’: Kỳ vọng gì khi nhận quyết định chuyển giao bắt buộc?

Quá trình tái cơ cấu các ngân hàng “0 đồng” gần như vẫn giậm chân tại chỗ. Sau rất nhiều kế hoạch không thành, nhiều đối tác đến và đi, cuối cùng phương án chuyển giao bắt buộc đã được quyết định. Tuy nhiên, đây lại là một lộ trình có thể mất thêm 10 năm nữa.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.

Theo đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng mua bắt buộc. NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.

Trầy trật gần thập kỷ

Cái tên ngân hàng “0 đồng” xuất phát từ năm 2015 khi 3 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng cho 1 cổ phần.

Trong số 3 ngân hàng trên thì có 2 nhà băng đã vào danh sách ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ tháng 10/2011 là GPBank và TrustBank – tiền thân của Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Hai ngân hàng này đều tự tái cơ cấu nhưng không thành công. Đáng chú ý, cả 3 ngân hàng được mua 0 đồng đều gắn liền với những đại án kinh tế với khoản tiền thất thoát, thiệt hại lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Điển hình là VNCB với tên tuổi đại gia Phạm Công Danh.

Năm 2012, TrustBank lâm vào tình trạng nợ xấu cao. NHNN khi đó đã yêu cầu TrustBank báo cáo tình hình và không chấp thuận cho TrustBank tự tái cơ cấu. Tháng 6/2012, NHNN chấp thuận việc chuyển nhượng 85% cổ phần TrustBank cho nhóm cổ đông Phạm Công Danh từ nhóm cổ đông cũ là nhóm bà Hứa Thị Phấn. Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra vào tháng 1/2013, Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh chính thức trở thành đối tác chiến lược, tham gia tái cơ cấu TrustBank. Ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT

Đến tháng 5/2013, TrustBank đổi tên thành VNCB, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, VNCB được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và buộc tái cơ cấu. Sau khi tiếp nhận, tái cơ cấu và quản lý hoạt động của VNCB, ông Phạm Công Danh tiếp tục đẩy ngân hàng này lún sâu vào nợ nần, thất thoát trầm trọng hơn. Về sau, ông Phạm Công Danh đã bị bắt và chịu án tù vì hàng loạt sai phạm gây thất thoát cho ngân hàng này hơn 9.000 tỷ đồng.

Tháng 2/2015, do kinh doanh thua lỗ và âm vốn, VNCB đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.

Với GPBank, từ năm 2012, NHNN phát hiện có nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị điều hành kém hiệu quả. Trong 3 năm sau đó, NHNN đã tạo điều kiện để GPBank tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước, xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi nhưng tất cả đều không thành vì các bên không cùng nhau đưa ra được phương án khả thi.

Năm 2015, GPBank bị NHNN mua bắt buộc 0 đồng. Sau đó, NHNN cử các cán bộ của Vietinbank sang tham gia quản trị, điều hành ngân hàng này. Còn nhóm lãnh đạo cũ của ngân hàng gồm Tạ Bá Long (cựu Chủ tịch HĐQT GPBank) và Đoàn Văn An (cựu Phó Chủ tịch HĐQT GPBank) bị xử tù vì gây thiệt hại cho GPBank gần 4.800 tỷ đồng.

Sau nhiều năm, hoạt động huy động vốn và dư nợ cho vay, phát triển khách hàng mới đã ổn định trở lại, nhưng GPBank vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn với khối nợ xấu khổng lồ và tốc độ thu hồi chậm chạp.

Đối với OceanBank, từng là một hiện tượng của ngành ngân hàng, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2007 đến năm 2010, đã tăng vốn điều lệ lên gấp gần 24 lần. Cùng với đó, quy mô tổng tài sản của OceanBank cũng tăng mạnh, từ khoảng 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2006 lên 55.138 tỷ đồng vào năm 2010.

Kể từ khi Hà Văn Thắm bị bắt, OceanBank phơi bày một loạt yếu kém và đổ dốc. Tại thời điểm 31/3/2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng. Nợ xấu tại thời điểm 31/3/2014 của OceanBank lên tới gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần)…

Trước thực tế đó, ngày 6/5/2015, NHNN quyết định mua OceanBank với giá 0 đồng.

Từ khi được NHNN mua lại, hoạt động của 3 nhà băng trên dần ổn định. Nợ xấu, tài sản không sinh lời được xử lý và thu hồi từng bước, tiền gửi mới được gia tăng, quản trị điều hành được củng cố lại.

Song những kết quả này gần như chỉ giữ hiện trạng các ngân hàng không xấu đi quá nhanh, còn khoản lỗ lũy kế vẫn cao đột biến và tăng liên tục.

Chuyển giao bắt buộc: Phức tạp, chưa nói trước được gì

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đi qua một thập kỷ nhưng chưa xử lý dứt điểm được các ngân hàng “0 đồng” và nhà băng yếu kém. Theo NHNN, mua ngân hàng với giá 0 đồng là giải pháp cực chẳng đã. Việc này nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống, tránh đổ vỡ dây chuyền.

Để xử lý 3 ngân hàng “0 đồng” và Ngân hàng Đông Á, hàng loạt biện pháp từng được NHNN đề xuất như tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động,… Nhưng lộ trình tái cơ cấu gần 10 năm qua chưa đạt được nhiều kết quả đột phá.

Từ năm 2016 – 2019, có nhiều đối tác, tổ chức nước ngoài ngỏ ý quan tâm đến các ngân hàng “0 đồng” này. Có đối tác từng cử nhân sự sang “cắm rễ” tại một ngân hàng để tiến đến mua đứt nhưng rốt cục vẫn phải nói lời chia tay vì cơ chế xử lý quá nhiều vướng mắc.

Dù nhận được nhiều chính sách ưu đãi như khoản vay lãi suất 0%, được các ngân hàng lớn hỗ trợ về nhân lực, quản trị… nhưng sức khỏe của 3 nhà băng “0 đồng” này vẫn rất “hom hem”.

Một số chuyên gia nhận định, các ngân hàng “0 đồng” khi được chuyển giao đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Trong các năm qua, dù tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này không được công bố chính thức nhưng có thể dự đoán con số thua lỗ rất lớn. Kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước đánh giá: “Việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được NHNN mua 0 đồng chậm và chưa triệt để; thực trạng tài chính của các ngân hàng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn”.

Báo cáo trước Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cần phải có những biện pháp tập trung giải quyết dứt điểm 3 ngân hàng “0 đồng”, thậm chí có thể tính đến phương án cho giải thể hoặc phá sản, nhằm tránh tình trạng “lỗ mẹ chồng lên lỗ con”. Theo ước tính của Kiểm toán Nhà nước, số lỗ mỗi năm của 3 ngân hàng này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Với số lỗ khủng, cùng sự phức tạp về xử lý nợ xấu, hệ thống, mô hình quản trị, nhân sự, công nghệ… vốn đã đi xuống rất nhiều trong mấy năm qua, cổ đông nhiều ngân hàng lo ngại, nhận chuyển giao ngân hàng “0 đồng” là nhận về “khúc xương khó nhằn”, có thể kéo lùi tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng.

Theo phân tích của lãnh đạo các ngân hàng, ngoài “nhiệm vụ”, nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt hạn mức trên vốn tự có; không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm nếu đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; được ưu tiên trong việc mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch…

Trả lời tại ĐHCĐ năm 2022, lãnh đạo MB cho biết, nhận chuyển giao ngân hàng “0 đồng” là việc khó khăn, lâu dài và chỉ có thể làm được với các cơ chế đặc biệt, có sự hỗ trợ lớn từ cơ quan quản lý. Thời gian để đưa ngân hàng “0 đồng” về trạng thái hết lỗ rồi mới tính tiếp cũng ước chừng cỡ 8 – 10 năm.

Cho đến nay, vẫn chưa có 1 công bố chính thức nào cho tiến trình tái cơ cấu ngân hàng “0 đồng”. Lãnh đạo các ngân hàng có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc khi được hỏi đều trả lời chưa thể nói gì hơn vào thời điểm này.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc tiếp quản ngân hàng “0 đồng” là một thách thức không nhỏ đối với ngân hàng tiếp nhận, bởi phải xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm trong vài năm và nhiều khả năng giá cổ phiếu tụt xuống.

Việc tái cơ cấu ngân hàng đã ở diện kiểm soát đặc biệt gần chục năm qua không hề đơn giản và chắc sẽ còn phải chờ thêm. Muốn đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu ngân hàng “0 đồng” không phải một mình NHNN làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành có liên quan. Đặc biệt, với quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ liên quan đến các vụ án kinh tế, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.

Theo Hạnh Nga/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-0-dong-ky-vong-gi-khi-nhan-quyet-dinh-chuyen-giao-bat-buoc-20180504224288304.htm