QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nghệ An muốn gọi vốn PPP để nâng cấp cảng hàng không quốc tế Vinh

Cảng hàng không quốc tế Vinh được đề xuất đầu tư nhiều hạng mục quan trọng bằng nguồn vốn tư nhân để đạt công suất 12 triệu hành khách/năm vào năm 2030.

Nghệ An muốn gọi vốn PPP để nâng cấp cảng hàng không quốc tế Vinh
Cảng Hàng không Quốc tế Vinh – Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An vừa ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xã hội hóa thu hút đầu tư dự án và điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh.

Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh theo phương thức PPP và giao UBND tỉnh Nghệ An làm Cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đề xuất với người đứng đầu Chính phủ chấp thuận điều chỉnh công suất Cảng Hàng không Quốc tế Vinh trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành: quy hoạch đến năm 2030 có công suất khoảng 12 triệu hành khách/năm (bao gồm nhà ga hành khách T1 và nhà ga hành khách T2); tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm.

Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng Hàng không Quốc tế Vinh dự kiến quy hoạch đến năm 2030 có công suất khoảng 8 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 14 triệu hành khách/năm.

Hiện Bộ GTVT cũng đã có ý kiến ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Nghệ An chủ động kêu gọi xã hội hóa đối với việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vinh và sẽ phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An trong quá trình nghiên cứu đầu tư, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và quy hoạch.

Được biết, Cảng hàng không Vinh do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1937 với đường cất – hạ cánh dài 1400 x 30m bằng đất và một vài công trình phụ trợ khác: sân đỗ máy bay, kho xăng dầu…Trước năm 1994, cảng hàng không Vinh hầu như không được đầu tư sửa chữa. Năm 1994, trước nhu cầu khai thác đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng và ngược lại, nhà nước đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để sửa chữa đường cất – hạ cánh, xây dựng nhà ga, đường lăn, sân đỗ. Năm 1995, hoàn tất công tác đầu tư sửa chữa và đưa vào khai thác thường lệ đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng với tần suất 6 chuyến/tuần. Từ năm 1997, sân bay Vinh khai thác tuyến Vinh Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần.

Từ năm 2001 – 2003, sân bay đã liên tục được đầu tư xây dựng các công trình như: đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách dân dụng, các công trình quản lý bay, tháp chỉ huy…đặc biệt là cải tạo và kéo dài đường cất – hạ cánh đạt cấp 4C, tiếp nhận được các loại máy bay A320, A321 có giảm tải hoặc các loại máy bay tương đương. Sân bay Vinh ngày càng được phát triển, từng bước được xây dựng trở thành một cảng hàng không quốc tế hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại đáp ứng được các nhu cầu khai thác sử dụng.

Hiện cảng hàng không quốc tế Vinh đang triển khai dự án xây dựng nhà ga hành khách T2, công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm,bao gồm 1 triệu hành khách quốc tế và 4 triệu khách nội địa. Tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 16.500m2, tổng mức đầu tư khoảng 1.681 tỷ đồng.

Theo Châu Anh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/nghe-an-muon-goi-von-ppp-de-nang-cap-cang-hang-khong-quoc-te-vinh-20180504224270830.htm