QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

PGS.TS Trần Đình Thiên: “Gây dựng đội ngũ đại bàng quốc tịch Việt phải là nhiệm vụ trụ cột”

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, cho rằng cần xác lập cách tư duy – tiếp cận mới về việc “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”.

PGS.TS Trần Đình Thiên: ‘Gây dựng đội ngũ đại bàng quốc tịch Việt phải là nhiệm vụ trụ cột’.

Ba vấn đề của doanh nghiệp Việt

Theo ông Thiên, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Việt có 3 đặc điểm nhận dạng – mà cũng là ba vấn đề chính.

Một là quy mô quá nhỏ. Thống kê cho thấy 95 – 96% tổng số doanh nghiệp Việt là nhỏ, siêu nhỏ, nghĩa là thực lực yếu và kém.

Hai là khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ đóng góp chưa đến 10% GDP trong khi khu vực FDI đóng góp hơn 2 lần, 22 – 23% GDP.

Ba là toàn bộ khu vực kinh tế bản địa chỉ đóng góp 30% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khu vực FDI đóng góp tới 70%. Điều này đồng nghĩa cơ hội phát triển to lớn mà nỗ lực mở cửa – hội nhập quốc tế mang lại cho nền kinh tế chủ yếu được khu vực doanh nghiệp nước ngoài khai thác và hiện thực hóa thành lợi ích cho họ.

Theo ông Thiên, đây là vấn đề nghiêm trọng, cần phải được mổ xẻ, phân tích thấu đáo để rút ra bài học. Yêu cầu này trở nên đặc biệt gay gắt trong tình thế hiện nay, khi hệ thống kinh tế toàn cầu đang có những chuyển dịch lớn và sâu sắc chưa từng thấy – thay đổi cấu trúc hệ thống và đẳng cấp công nghệ, các chuỗi sản xuất toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ…

“Doanh nghiệp của ta hiện nay vẫn chỉ lo kiếm ăn, lo sống còn, lo phá vỡ các trói buộc mà chưa có năng lực và điều kiện để tận dụng cơ hội do chính chúng ta mang lại. Tôi cũng nói vui với bác Tuyển, có bao nhiêu cơ hội kéo về, bác bán hết cho doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thiên bình luận.

Gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt”

Để giải quyết các vấn đề trên, ông Thiên cho rằng có 5 giải pháp.

Một là nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, là các thị trường đầu vào (đất đai, vốn…) đúng nghĩa.

Hai là nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc xin – cho, bởi đây là nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của hệ thống tham nhũng – lãng phí, làm méo mó toàn bộ cấu trúc thị trường.

“Bỏ cơ chế xin – cho để cho chính khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn lên một cách bình thường và để doanh nghiệp tư nhân được cạnh tranh bình đẳng”, ông Thiên nhấn mạnh.

Giải pháp thứ ba là áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”. Theo ông Thiên, sự thay thế này sẽ giúp kích thích tinh thần tranh đua giành thắng một cahcs đàng hoàng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ không lo bị “lép vế” do “tư cách chính trị” trước khu vực doanh nghiệp nhà nước; khu vực doanh nghiệp quốc nội không phải lo ngại sự lấn át bất hợp lý của khu vực doanh nghiệp FDI.

Giải pháp thứ tư và cũng đặc biệt quan trọng là xác lập cách tư duy – tiếp cận mới về “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”. Bên cạnh đó, xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt Nam thành một chương trình – chiến lược hành động quốc gia phải là việc được ưu tiên hàng đầu.

“Phải có đại bàng của Việt Nam, vì không có thì nền kinh tế Việt Nam không lớn được, không thành cường quốc được, doanh nghiệp Việt Nam cứ nhỏ li ti mãi. Chỉ có những con đại bàng mới có thể làm trụ cột để xây dựng chuỗi của Việt Nam, chứ không thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ có ăn bám, cho gì hưởng nấy, mà việc ăn theo chuỗi của đại bàng nước ngoài cực kì gian khó. Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm như vậy, Việt nam cũng cần lấy các doanh nghiệp tư nhân lớn, có thực lực để làm trụ cột”, ông Thiên nêu quan điểm.

Giải pháp cuối cùng, theo ông, là thiết kế lại chương trình “khởi nghiệp quốc gia” một cách đúng tầm, đúng yêu cầu thời đại để nhanh chóng “thay máu doanh nghiệp” cho nền kinh tế.

Muốn làm được như vậy, ông Thiên cho rằng cần đặc biệt chú ý đến cách xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số – công nghệ cao – trí tuệ.

“Chỗ này cũng phải gấn với cách tiếp cận khác về khoa học – công nghệ. Khoa học – công nghệ cần phải là chiến lược trục của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Chuyển sang công nghệ cao, kinh tế số phải coi như là mục tiêu sống còn của đất nước này trong 10 – 15 năm nữa. Còn nếu chiến lược khoa học công nghệ vẫn cứ đứng bên cạnh, có tính chất bổ sung, có tính chất tham khảo, các nhà khoa học vẫn đói rách, ăn xin thì đất nước làm sao vươn lên được”, ông Thiên bày tỏ.

Theo Vĩnh Chi/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/pgsts-tran-dinh-thien-gay-dung-doi-ngu-dai-bang-quoc-tich-viet-phai-la-nhiem-vu-tru-cot-20180504224245531.htm