QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phát triển thị trường TPDN: ‘Cần tăng cường minh bạch thông tin và hình thành thị trường thứ cấp’

Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup, để phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), việc cần làm ngay là tăng cường minh bạch thông tin và hình thành thị trường thứ cấp. Ông Thuân nhấn mạnh rằng nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư trái phiếu với lãi suất cao phải hiểu rõ rủi ro đi kèm như thế nào, doanh nghiệp nào phát hành, sức khỏe doanh nghiệp đó ra sao, định hạng tín nhiệm ở mức nào, thanh khoản trái phiếu tốt hay không.

Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm 2020 thông qua kênh trái phiếu riêng lẻ lên đến 156.327 tỷ đồng. Riêng tháng 6, giá trị phát hành riêng lẻ đạt 42.473 tỷ đồng, bật tăng mạnh so với các tháng liền trước. Đây cũng là tháng có quy mô huy động lớn thứ hai trong các tháng kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu thống kê từ HNX hồi tháng 8/2019, chỉ đứng sau giá trị phát hành vào tháng 12/2019.

Quy mô thị trường trái phiếu đang ngày càng lớn, đòi hỏi về sự phát triển bền vững cho thị trường theo đó cũng ngày càng trở nên cấp thiết. Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup.

– Dữ liệu từ HNX cho thấy 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, điều gì đã thúc đấy sự tăng trưởng ấn tượng này, cả từ phía người mua và từ phía người bán?

Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup: Theo tôi có 3 thứ. Một là ở góc độ các đơn vị phát hành, chính là doanh nghiệp. Mặc dù nhìn chung trong quý I và quý II,  quy mô đầu tư vào tài sản cố định (CAPEX) của các doanh nghiệp có giảm nhưng nhu cầu vốn vẫn rất lớn, đặc biệt là ngành bất động sản.

Thứ hai là định hướng của chính phủ và ngành ngân hàng là giảm tỷ trọng cho vay trung và dài hạn nhằm giảm áp lực cho ngành ngân hàng, đẩy sang cho kênh trái phiếu. Điều đó tốt vì khủng hoảng lần trước là do cho vay phi tài chính, trong đó cho vay bất động sản là chính. Các doanh nghiệp bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng.

Thứ ba là ở góc độ nhà đầu tư cá nhân. Họ thích kênh đầu tư nào có lợi suất cao và quan trọng là họ có tiền. Thay vì gửi tiết kiệm 4-5%/năm, chơi chứng khoán quốc tế, vàng, bạc, dầu, thậm chí cá độ, lô đề…, đầu tư bất động sản thì phải nghe ngóng nọ kia, họ đẩy sang một kênh có lãi suất danh nghĩa 8-9%/năm, thậm chí 10-12%/năm.

3 thứ đó tổng hòa, phản ánh sự gia tăng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp trong mấy năm vừa rồi, đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận thì cũng cần lưu ý vế sau là rủi ro. Điều này đặt ra vấn đề về việc hình thành thị trường trái phiếu thứ cấp và minh bạch thông tin. Cũng như cổ phiếu, nhu cầu thanh khoản cho trái phiếu cũng quan trọng.

– Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn phần nào cho thấy nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp là rất lớn. Ông có cho rằng kênh trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai có thể trở thành đối trọng thực sự của kênh ngân hàng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp hay không?

Tôi nghĩ là đương nhiên, nó là đối trọng, là một chân kiềng rất cần thiết cho thị trường vốn. Tất nhiên không có nghĩa là ngân hàng không cung cấp vốn trung và dài hạn nhưng nó có tỷ lệ, cơ cấu làm sao để đảm bảo an toàn hệ thống, cho nên đối trọng là rõ.

Ở các nước trong khu vực và trên thế giới, tùy mức độ phát triển khác nhau, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đa phần có quy mô lớn, thậm chí lớn hơn cả thị trường cổ phiếu nếu ở các nước phát triển.

Tại Việt Nam, nếu tính theo giá trị phát hành và đang lưu hành hàng năm thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức cỡ khoảng 10-11% GDP, trong khi thị trường cổ phiếu đang ở mức khoảng 80% GDP.

– Theo ông, có thuận lợi và rào cản gì trong việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để kênh này trở thành đối trọng thực sự về quy mô so với kênh ngân hàng?

Thuận lợi là mức độ phát triển của thị trường đang rất thấp và nhu cầu thực sự là có, điều đó thể hiện ngay ở số liệu phát hành thời gian qua.

Rào cản thì khá nhiều.

Thứ nhất là về thị trường thứ cấp. Chúng ta phải tạo thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó  tốt cho cả công ty chứng khoán, tốt cho đơn vị bảo lãnh. Vốn của công ty chứng khoán có hạn, vốn của ngân hàng có hạn, không thể phát hành ra thị trường và cam kết bảo lãnh mãi được.

Mua lại cũng là rất rủi ro, nếu giá thị trường của trái phiếu về 0 khi doanh nghiệp phá sản thì liệu đơn vị bảo lãnh có đủ vốn để ôm không? Nhỏ như bây giờ thì được nhưng gấp đôi số này thì hệ lụy lây sang cả ngân hàng và công ty chứng khoán – những đơn vị đứng ra bảo lãnh.

Thế nên là phải có thị trường thứ cấp.

Rào cản thứ hai liên quan đến nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư cá nhân chuyển từ tiết kiệm sang mua trái phiếu, bản thân các đơn vị phân phối, bao gồm ngân hàng và công ty chứng khoán cũng thuyết phục họ làm điều này. Nôm na là anh có sổ tiết kiệm 1 tỷ lãi suất chỉ 4-5%/năm nhưng hiện nay đang có sản phẩm này lãi suất 9%/năm… Vấn đề là 9% đấy thì rủi ro thế nào, doanh nghiệp nào phát hành, sức khỏe doanh nghiệp đó ra sao, định hạng tín nhiệm ở mức nào, thanh khoản trái phiếu tốt hay không…, đa phần nhà đầu tư cá nhân không biết.

– Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp trong 6 tháng đầu năm lên tới 15%, trong khi năm 2019 trung bình chỉ 10%, cho thấy kênh trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân. Mặt khác, cơ quan quản lý lại liên tục cảnh báo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Là người nghiên cứu kỹ về các mô hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên thế giới, ông có thể chia sẻ về điều này? Tại các thị trường khác, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia có lớn hay không?

Theo tôi được biết thì tùy nước. Có những nước như Nhật chỉ chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức. Malaysia thì kết hợp, Thái Lan cũng thế. Nhưng với Trung Quốc và tôi nghĩ Việt Nam cũng thế, kiểu gì thì kiểu vẫn phải hướng đến nhà đầu tư cá nhân.

Đương nhiên, thị trường vốn sẽ dần hình thành và chuyển vốn sang các kênh quản lý chuyên nghiệp, trong đó có quỹ đầu tư trái phiếu (bond fund). Thế nhưng phải chấp nhận thực tế là 5, 10 năm nữa, sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vẫn rất phổ biến.

Luật chứng khoán sửa đổi đã phân định ra nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư cá nhân. Cái đó rất tốt. Có ràng buộc cho các đơn vị phát hành, phân phối cũng là một sự thay đổi rất kịp thời.

Thế nên là hạ tầng phát triển phải đi theo: công bố thông tin, định hạng tín nhiệm… phải thực hiện vì nhà đầu tư trái phiếu khác cổ phiếu. Nhà đầu tư cổ phiếu còn được đi họp cổ đông một năm một lần, còn được đọc công bố thông tin rất đầy đủ, còn nhà đầu tư trái phiếu thì không được như vậy.

Do đó, chuẩn hóa công bố thông tin để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu cực kỳ quan trọng. Khi bạn gửi tiền thì bạn được đảm bảo bởi các quy định rất chặt của ngân hàng, rồi bảo hiểm tiền gửi nhưng trái phiếu mất thì ai bảo hiểm? Chưa có. Trong khi đó, công bố thông tin thì khá mù mờ, cần cải thiện.

Một rào cản nữa liên quan đến an toàn hệ thống. Đối với ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cơ bản quản lý được, biết được. Nhưng trái phiếu thì ai biết? Quy mô thì biết nhưng mức độ rủi ro thì khó có thể biết, thậm chí biết nhưng khó xử lý.

Ví dụ ngân hàng cho vay thì còn có thể đảo nợ, sắp xếp xoay vòng vốn giữa doanh nghiệp và ngân hàng, hoặc có biện pháp kỹ thuật để tái cấu trúc. Còn với hàng chục nghìn nhà đầu tư trái phiếu chuyển từ tiết kiệm sang, đến một ngày người ta không nhận được lãi, gốc thì mới tá hỏa tìm doanh nghiệp phát hành, đến lúc đấy lại kéo nhau đến ngân hàng giống như mấy vụ condotel vừa rồi.

– Rất nhiều người khi chuyển từ tiết kiệm sang mua trái phiếu, thậm chí họ còn không phân biệt được 2 kênh đầu tư này…?

Đó là vấn đề về minh bạch thông tin sản phẩm. Và đó là trách nhiệm của đơn vị phân phối và trực tiếp là các nhân viên đi tư vấn đầu tư, bán hàng. Điều này cho thấy quy chuẩn môi giới trái phiếu phải được hoàn thiện. Giống như môi giới chứng khoán, cũng phải được đào tạo, cấp chứng chỉ…

Nói chung là phải tăng cường giám sát thay vì cứ để họ bán trái phiếu mà không minh bạch các điều khoản, để tránh các tổ chức, cá nhân họ làm không chuẩn chỉnh.

Theo tôi, bây giờ là lúc phải hành động. Không nên để đến lúc quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp quá lớn, xảy ra nhiều vụ kiểu như condotel vừa rồi thì xử lý là rất muộn, bởi vì chính sách bao giờ cũng có độ trễ. Làm bây giờ thì 3, 5 năm sau nếu xảy ra vấn đề thì cũng chỉ là lốm đốm và xử lý được. Nếu không làm, đến lúc quy mô thị trường lớn, cá nhân đã mua nhiều thì tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn mới, đương nhiên tạo điều kiện phát triển là tốt nhưng quy mô cũng đã đến 10-11% GDP thì phải khẩn trương, kịp thời có các biện pháp để phát triển bền vững… Nếu tầm 70% GDP rồi, quả bóng rất to rồi thì không cần kim sắt, chỉ cần chạm nhẹ cái cây là đã nổ rồi.

Theo Tùng Lâm/VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/phat-trien-thi-truong-tpdn-can-tang-cuong-minh-bach-thong-tin-va-hinh-thanh-thi-truong-thu-cap-20180504224241053.htm