QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phức tạp như Eximbank

Một khách hàng nợ thẻ tín dụng của ngân hàng Eximbank 8,5 triệu đồng sau 11 năm số tiền phải trả lên đến 8,8 tỷ đồng gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên nhà băng này vướng vào những lùm xùm, trước đó hàng trăm tỷ đồng của khách hàng gửi tại đây đã “bốc hơi”, thượng tầng hỗn loạn và nhiều lãnh đạo chi nhánh phạm pháp.

Một khách hàng nợ thẻ tín dụng của ngân hàng Eximbank 8,5 triệu đồng sau 11 năm số tiền phải trả lên đến 8,8 tỷ đồng gây xôn xao dư luận.

Khách VIP mất hàng trăm tỷ đồng

Năm 2018, CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án và phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Lê Nguyễn Hưng (1972, Bình Dương) – nguyên Phó GĐ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP.HCM, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo như hồ sơ vụ án, đại gia thủy sản Chu Thị Bình được xem là khách hàng VIP tại đây, thường xuyên giao dịch với ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM và có gửi số tiền tiết kiệm lớn. Từ năm 2014 đến cuối năm 2016, lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình trong việc ủy quyền giao dịch gửi tiền tiết kiệm, ông Hưng cùng thuộc cấp đã nhiều lần đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn gửi.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Hưng đã làm giả mạo một số giấy tờ hoặc tạo các giấy tờ có chữ ký khống của bà Bình để rút tiền từ các sổ tiết kiệm. Tháng 2/2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank và xuất cảnh ra nước ngoài. Bà Bình nghi ngờ nên tiến hành kiểm tra số dư các sổ tiết kiệm thì phát hiện số tiền 245 tỷ đồng đã ‘không cánh mà bay’. Ngày 19/4/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên buộc Eximbank phải trả số tiền gốc 245 tỷ đồng và hơn 115 tỷ đồng tiền lãi cho bà Chu Thị Bình.

Nhiều năm trước, Eximbank liên tục dính các lùm xùm mất tiền trong sổ tiết kiệm và cán bộ lừa đảo khách hàng.

Trước đó, vào năm 2017, bà Nguyễn Thị Lam – Cán bộ kiểm ngân Phòng giao dịch Đô Lương, ngân hàng Eximbank chi nhánh Thành phố Vinh đã chèo kéo gửi tiền vào chi nhánh của mình với hứa hẹn trả lãi 8-12%/năm giữa thời điểm mức quy định của ngân hàng có thời điểm chỉ từ 4-5%.

Tin tưởng, nhiều khách hàng đã tìm tới nhà riêng của Lam để ký hồ sơ mà không đến ngân hàng. Sổ tiết kiệm sau đó cũng được Lam giao tận tay khách hàng. Nhờ thủ đoạn giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống để đề nghị khách hàng ký vào hồ sơ và thực hiện giao dịch rút tiền, chuyển khoản tiền tại sổ tiết kiệm của các khách hàng, Lam đã chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng của khách hàng. Đặng Đình Hồng (SN 1973) – Giám đốc Phòng giao dịch Đô Lương, Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP Vinh bị bắt khẩn cấp về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan đến vụ việc.

Năm 2015, TAND TP.HCM đã đưa vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xét xử sơ thẩm đối với 3 bị cáo: Huỳnh Thị Trinh (SN 1972, nguyên Giám đốc Ngân hàng Eximbank Sài Gòn), Phạm Duy Hiển (SN 1981, nguyên Phó trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp Eximbank Sài Gòn) và Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1985, nguyên Cán bộ tín dụng Eximbank Sài Gòn).

Theo cáo trạng, tháng 1/2011, Đặng Bạch Helen thành lập công ty Gia Phát Thành và thuê bà Trương Hoàng Linh làm giám đốc, đặt trụ sở tại TP.HCM. Vào đầu năm 2012, Helen đã liên hệ và đặt vấn đề tiếp tục vay vốn và được Trinh đồng ý, chỉ đạo Hiển tiến hành thẩm định hồ sơ tín dụng. Hiển đã phân công cho Hằng xác minh hồ sơ pháp lý, lập báo cáo thẩm định tín dụng đối với Công ty Gia Pháp Thành.

Sau khi hồ sơ được Hội sở Eximbank duyệt, ngày 27/4/2012, Trinh và Trương Hoàng Linh đã ký kết hợp đồng tín dụng hạn mức. Phía Eximbank Sài Gòn đã giải ngân cho Công ty Gia Phát Thành 61 lần thanh toán quốc tế cho các đối tác ở nước ngoài đã bán hàng cho Công ty Gia Phát Thành. Đặng Bạch Helen đã lợi dụng, sử dụng sai mục đích vốn vay để buôn lậu, tịch thu hàng hóa nên mất khả năng thanh toán với Eximbank Sài Gòn số tiền 134,6 tỷ đồng.

Ngoài những vụ việc kể trên, lãnh đạo, cán bộ của Eximbank nhiều năm qua cũng liên tục vi phạm các quy định và phạm pháp, như: Bốn cán bộ thuộc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Nghệ An “xộ khám” vào năm 2014, Cựu GĐ Eximbank Bình Dương bị truy nã vì chiếm đoạt 5,5 tỷ đồng và Cán bộ Eximbank chi nhánh Cần Thơ bị truy nã vì lừa đảo 73 tỷ đồng năm 2012…

Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt chú ý đến vụ việc tại Eximbank.

Thượng tầng sóng gió

Tại Eximbank không chỉ xảy ra các vấn đề ở các chi nhánh hay các lãnh đạo cấp dưới dính sai phạm mà ngay ở vị trí thượng tầng, các nhóm cổ đông của ngân hàng này cũng nhiều lần gây ra sóng gió trên thị trường tín dụng.

Hồi tháng 6/2023, bà Đỗ Hà Phương (1984) được bầu làm tân chủ tịch HĐQT của Eximbank. Tuy nhiên, đại diện nhóm cổ đông do ông Trần Hoàng Ninh đứng tên đã có văn bản rút đề cử đối với bà Đỗ Hà Phương vì cho rằng bà không thực hiện nghiêm túc chức vụ đảm nhiệm.

Cụ thể trong văn bản này, ông Ninh cho rằng bà Phương không đảm bảo được quyền cũng như lợi ích hợp pháp, ý chí phát triển ngân hàng một cách minh bạch và ổn định của các cổ đông. Chính vì thế, nhóm cổ đông này đã thống nhất báo với Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và TGĐ Eximbank việc chấm dứt các ủy quyền, đề cử và đề nghị rút bà Phương ra khỏi HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Thời điểm này, đại diện Eximbank cho biết do phải đối mặt với thách thức chung của ngành ngân hàng và các vấn đề nội tại của Eximbank, ngân hàng buộc phải tiến hành các hoạt động cải cách, hướng đến thay đổi nhằm đưa Eximbank trở lại top đầu. Trước loạt lùm xùm này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Ban kiểm soát Eximbank rà soát, làm rõ nội dung liên quan và báo cáo kết quả cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng..

Trong vài năm trở lại đây, Eximbank thay lãnh đạo ‘như thay áo’ và khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về đường lối lãnh đạo thiếu sự nhất quán. Đầu năm 2024, ông Trần Tấn Lộc đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Eximbank để tập trung vào nhiệm vụ tại HĐQT. Ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc thay thế.

Trong tháng 2/2024, Eximbank công bố thông tin về việc bà Lê Thị Mai Loan từ nhiệm vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ (2020 – 2025) vì lý do cá nhân chỉ sau một năm tại vị. Hiện sở hữu cổ phần nhiều nhất trong các lãnh đạo tại Eximbank thuộc về thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú với hơn 19,5 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 1,12%).

Eximbank Quảng Ninh – nơi xảy ra vụ nợ 8,5 triệu sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng.

Ngân hàng Eximbank từ một ‘ông kẹ’ trong ngành tài chính đã lao dốc không phanh từ năm 2012 sau loạt ồn ào. Năm 2022, dù đã có lãi đột biến nhưng đến năm 2023 lợi nhuận sụt giảm sâu. BCTC hợp nhất quý IV/2023 ghi nhận trước thuế cả năm giảm sút 16,7% xuống còn 2.720 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.165 tỷ đồng, giảm sút 16,5% so với năm trước đó.

Một trong những lý do khiến Eximbank rơi vào ‘lỗ đen’ là do thu nhập lãi thuần biến động bất thường. Hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm sút, tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2023 đạt 140.448 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thời điểm đầu năm, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm trên 71% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Thanh tra vào cuộc vụ nợ ngân hàng 8,5 triệu phải trả 8,8 tỷ đồng
Liên quan đến vụ lùm xùm mấy ngày gần đây, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo. Hiện phía Eximbank Quảng Ninh đang chờ phía Hội sở của Eximbank tại TPHCM hỗ trợ các thông tin liên quan đến khách hàng cũng như quá trình phát sinh dư nợ để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Quảng Ninh.

Theo Ngày Nay