QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Quản’ cho vay ngang hàng, tránh hiện tượng biến tướng vay nặng lãi

Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư triển khai xây dựng đề án kinh tế chia sẻ, trong đó đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng (vay tiền không qua trung gian giữa người cần vốn và người có vốn) đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng.

 

Ông Cấn Văn Lực – Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng, cần có biện pháp để tránh cho vay ngang hàng biến tướng thành tín dụng đen, đầu tư đa cấp trá hình và rửa tiền… gây ra các hệ lụy kinh tế, xã hội.

Từ năm 2018, mô hình ứng dụng công nghệ cho vay trực tuyến hay còn gọi là cho vay ngang hàng (P2P) được các công ty trong nước phát triển khá mạnh, có khoảng 40 công ty ứng dụng dịch vụ này.

Quy mô thị trường này trên toàn cầu, theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, vào năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỉ USD, năm 2015 tăng lên 64 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 có thể lên hơn 1.000 tỉ USD. Cho vay ngang hàng tại VN có xu hướng phát triển rất nhanh do khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính còn khiêm tốn của người dân (theo Ngân hàng Thế giới chỉ mới 40% người lớn có tài khoản ngân hàng), công nghệ thông tin phát triển mạnh… Tuy nhiên hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen… đang diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Cấn Văn Lực: Giống như một số nước đang phát triển khác, VN chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay ngang hàng, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Vì thế, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy cả về khía cạnh kinh tế cũng như xã hội.

Thực tế, cho vay ngang hàng đã phát triển rất mạnh ở Trung Quốc từ năm 2011 và đã thu hút khoảng 50 triệu người dân tham gia với lãi suất từ 10%/năm trở lên (cao gấp đôi lãi suất ngân hàng), đạt doanh số gần 218 tỉ USD tính đến giữa năm 2018. Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát đối với hoạt động P2P nên những công ty này biến tướng huy động vốn bất hợp pháp theo hình thức đa cấp, dẫn đến giữa năm 2018 có khoảng 400 công ty phá sản, chủ công ty bỏ trốn và nhà đầu tư không thể đòi được tiền. Sau đó, Trung Quốc đã phải bổ sung 10 biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động này.

Đánh giá đây là một sản phẩm tất yếu nên thay vì cấm, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần có biện pháp để tránh cho hình thức này biến tướng thành tín dụng đen, đầu tư đa cấp trá hình và rửa tiền… gây ra các hệ lụy kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý hoạt động này, như cơ quan nào sẽ cấp phép hoạt động, xác định các tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực công nghệ, tiêu chuẩn đội ngũ quản lý; quy định về kiểm tra, giám sát của công ty; các biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư…

Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng Khoán