QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Sau nhiều bất đồng, Nga-Ukraine ký thỏa thuận khí đốt sát giờ ‘G’

Sau nhiều lần đàm phán, Ukraine và Nga đã chính thức ký thỏa thuận vận chuyển khí đốt vào tối 30/12 (theo giờ địa phương), đúng 24 giờ trước khi thỏa thuận hiện hành hết hiệu lực vào ngày hôm nay (31/12).

Hồi năm ngoái, tập đoàn Gazprom đã cung cấp cho châu Âu khoảng 200 tỷ m3 khí đốt.

Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga, thỏa thuận mới sẽ có thời hạn 5 năm nhằm đảm bảo việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr thông báo thêm rằng thỏa thuận đã được ký kết có hiệu lực từ ngày 30/12 và đảm bảo hoạt động vận chuyển khí gas từ Nga sang châu Âu qua Ukraine được thông suốt sau ngày 31/12/2019.

Nhà lãnh đạo Ukraine hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời bày tỏ lạc quan văn kiện này có thể được gia hạn thêm 10 năm. Ông cũng cho biết thêm, Ukraine có thể thu được ít nhất 7 tỷ USD từ thỏa thuận có giá trị 5 năm này.

Trước đó, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Nga và Ukraine ngày 20/12 đã ký nghị định thư bổ sung thỏa thuận về tiếp tục vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine và điều chỉnh các yêu cầu chung. Đây là kết quả cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra tại thủ đô Minsk của Belarus.

Hợp đồng này sẽ đảm bảo khối lượng trung chuyển tối thiểu ở mức 65 tỷ m3 khí trong năm 2020 và 40 tỷ m3 khí mỗi năm từ 2021-2024. Sau khi đáo hạn, hợp đồng này có thể được gia hạn tới 10 năm.

Ngoài ra, phía Nga đã đồng ý trả khoản tiền đền bù theo quy định của Tòa trọng tài Stockholm, với số tiền khoảng 2,9 tỷ USD.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố nêu rõ thỏa thuận vừa đạt được cho thấy Nga tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy trên thị trường châu Âu.

Hồi năm ngoái, tập đoàn Gazprom đã cung cấp cho châu Âu khoảng 200 tỷ m3 khí đốt, 40% trong số này đi qua Ukraine, giúp Kiev thu về 3 tỷ USD tiền phí vận chuyển mỗi năm.

Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 25/12 cho biết mặc dù Mỹ đã tăng gần gấp đôi doanh số bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, nhưng thị phần của họ chỉ chiếm 13%, trong khi của Nga là 20%.

Vị Bộ trưởng cũng tiết lộ thêm rằng lượng LNG mà Nga bán cho EU đạt gần 12 thậm chí 13 triệu tấn nhờ các dự án mới.

Trong buổi họp báo cuối năm thường niên ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vẫn muốn tiếp tục vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống dẫn của Ukraine, bất chấp việc Moscow đã xây dựng các hệ thống  đường ống dẫn khác, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có khả năng vận chuyển lượng khí đốt gấp 2 lần tới Đức.

Theo Thanh Tú/VietnamFinance/ RT

Xem bài gốc