QC 1
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quý II/2024, Hoá chất Đức Giang lên kế hoạch lợi nhuận giảm hơn 20%

Kinh doanh đi lùi trong quý I/2024, Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang tiếp tục lên kế hoạch sụt giảm trong quý II.

Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HOSE: DGC) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh quý II/2024.

Theo đó, trong quý II/2024, Hoá Chất Đức Giang lên kế hoạch tổng doanh thu 2.406 tỷ đồng, lãi sau thuế 700 tỷ; giảm lần lượt 0,8% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh nghiệp dự kiến nguồn thu từ phốt pho vàng là 1.019 tỷ trong quý, doanh thu từ axit trích ly WPA (50%) khoảng 315 tỷ, nguồn thu từ axit phosphoric HPO (85%) 235 tỷ, doanh thu từ các loại phân bón và supe lân khoảng 492 tỷ đồng.

Hóa chất Đức Giang lên kế hoạch đi lùi trong quý II/2024

Lãi quý I/2024 thấp kỷ lục

Hóa chất Đức Giang vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 2.385 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Hóa chất Đức Giang thu về 704 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 quý trở lại đây, kể từ quý 4/2021, của tập đoàn hoá chất này.

Ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2024 giảm chủ yếu là do giá bán phốt pho vàng và Axit Photphoric (H3PO4) tại thị trường trong nước lẫn thế giới cùng giảm; trong khi đó, giá vốn vẫn neo cao. Phốt pho vàng và Axit Photphoric hiện là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả kinh doanh của Hoá chất Đức Giang.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Hóa chất Đức Giang đạt 14.500 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, biến động mạnh nhất phải kể đến là tiền và tương đương tiền, giảm 90% so với đầu năm, còn 113 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hóa chất Đức Giang hiện đang có khoản tiền gửi ngắn hạn gần 9.500 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính quý I/2024, mặc dù lợi nhuận giảm 14,4% nhưng Hoá chất Đức Giang bất ngờ ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục trong quý đầu năm 2024. Trong đó, dòng tiền kính doanh chính ghi nhận âm kỷ lục 1.773,94 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 18,9 tỷ đồng; dòng tiền đâù tư âm nhẹ 79,2 triệu đồng; và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 826,64 tỷ đồng.

Theo dữ liệu trên iBoard của chứng khoán SSI, kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE năm 2014 tới nay, chưa năm nào Hoá chất Đức Giang ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục 1.773,9 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục là năm 2017 với giá trị âm 42,7 tỷ đồng.

Ôm tiền cho dự án Boxit 2,3 tỷ USD

Về kế hoạch đầu tư, Hoá chất Đức Giang dự kiến dành 500 tỷ đồng để xây dựng Tổ hợp Xút chất dẻo tại Nghi Sơn giai đoạn 1. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu và khảo sát để có giấy phép đầu tư cho dự án Alumin. Ngoài ra, 10 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho việc mở rộng, nâng cấp trữ lượng tại Khai trường 25.

Theo kế hoạch, doanh nghiệp dự trình cổ đông kế hoạch sáp nhập Công ty Phốt pho 6 vào Công ty TNHH Hóa chất Đức Giang Lào Cai và nghiên cứu sáp nhập Công ty CP Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT) vào Hoá chất Đức Giang. Tuy nhiên, khả năng sáp PAT vào công ty mẹ vẫn được để ngỏ do lý do đóng thuế lớn và một số cổ đông của công ty con cũng lo ngại về việc khả năng giảm cổ tức.

Tại ĐHĐCĐ, dự án Bô-xít tại Đắk Nông của Hoá chất Đức Giang cũng là một vấn đề rất được cổ đông quan tâm. Thông tin về dự án này, ông Đào Hữu Huyền cho hay, doanh nghiệp đã ký MOU với UBND tỉnh Đắk Nông. Vị Chủ tịch này khẳng định, đây phải nói là một dự án “hoành tráng” của Hoá chất Đức Giang và doanh nghiệp đã đủ nguồn lực để thực hiện, không chỉ dừng lại ở vốn đầu tư 1 tỷ USD ban đầu mà còn đến từ nguồn vốn vay 14.500 tỷ đồng từ Vietcombank và 10.000 tỷ tiền mặt huy động từ cổ đông.

Tuy nhiên, đây là một dự án rất nhạy cảm về an ninh chính trị, văn hoá đồng bào và cũng cần nhiều ý kiến của các bộ, ban, ngành và Chính phủ nên để đưa ra kế hoạch xây dựng là rất khó. Hoá chất Đức Giang kỳ vọng sẽ có được giấy chứng nhận đầu tư trong ít nhất 2 năm nữa. Cộng thêm 2 năm xây dựng, sẽ cần ít nhất 4-5 năm để đưa dự án vào hoạt động.

Chủ tịch Đào Hữu Huyền xác định, đây sẽ là “quả đấm thép” của Hoá chất Đức Giang trong vòng 30 – 40 năm nữa. Đây cũng là một trong số những lý do khiến doanh nghiệp này quyết “ôm chặt” bịch tiền gửi 10.000 tỷ đồng.

Ông Huyền chia sẻ: “Nói thật, phải có số lượng tiền này chúng tôi có thể làm bàn đạp để xin dự án các tỉnh. Nhiều công ty tài chính mời chúng tôi mua trái phiếu nhưng tôi không đồng ý vì tôi thấy rất rủi ro. Tôi sẽ ôm bọc tiền này để đầu tư các dự án tiềm năng, đầu tư những quả đấm thép. Đầu tư trái phiếu mà bị “bùng” thì chết, thà gửi ngân hàng 4-5% còn hơn. Chúng tôi đi vay với lãi suất chỉ 2% thôi”.

Trước câu hỏi về việc Hoá chất Đức Giang có hay không ý định đầu tư mảng bất động sản công nghiệp để tận dùng dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam, Chủ tịch HĐQT cho hay, bản thân không thích mảng bất động sản khu công nghiệp mà chỉ thích hóa chất: “Đầy khu công nghiệp đang bỏ hoang mà các bạn không nhìn thấy nên khó có lãi. Nhiều người cứ bảo đại bàng bay trên trời nhiều mà còn đầy chỗ không thấy đậu. Tôi cũng chỉ thích tập trung đầu tư hóa chất. Chúng ta cần ôm chặt lượng tiền mặt lớn để chuẩn bị cho dự án Bô-xít, vì đây là một dự án rất lớn, được Chính phủ rất quan tâm. Ngoài ra tôi cũng đặt tính an toàn lên trên hết”.

Theo Tiểu Vy/ Kinh Tế Chứng Khoán