QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tập đoàn Nam Cường dưới thời bà Trần Ngọc Quỳnh lãi nghìn tỷ dù thị trường lao dốc

 Trong khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, kể cả những đại gia đứng đầu của ngành, Tập đoàn Nam Cường vẫn báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng, dưới thời lãnh đạo của bà Lê Thị Thúy Ngà và ái nữ Trần Ngọc Quỳnh.

Lãi nghìn tỷ khi thị trường khó khăn

Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội vừa công bố một số thông tin định kỳ về tình hình tài chính trên Sở chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, tính tới cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này đạt 7.693,2 tỷ đồng, tăng 11,57% so với năm trước.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đạt 43,02%, so với mức 70,94% năm 2021. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu cũng giảm hơn một nửa, còn 4,4% so với mức 8,67% năm trước.

Đáng chú ý, kết thúc năm 2022, Tập đoàn Nam Cường ghi nhận lãi ròng lên tới 1.168,1 tỷ đồng, dù giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, nhưng con số này vẫn ấn tượng trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh mất thanh khoản. Trước đó, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Nam Cường là 1.644,67 tỷ đồng.

Với tỷ lệ hơn 43%, ước tính nợ phải trả của doanh nghiệp này đến cuối năm 2022 là hơn 3.300 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chỉ còn 338 tỷ đồng. Tổng tài sản của Tập đoàn Nam Cường ước đạt hơn 11.000 tỷ, quy mô tương đương một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn như Văn Phú Invest (VPI), An Gia (AGG).

Thông tin của HNX cho biết, Nam Cường Hà Nội có một lô trái phiếu đang lưu hành mã NAMCUONG_BOND2018_01, phát hành vào cuối năm 2018 với kỳ hạn 5 năm. Lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 28/12/2023. Giá trị phát hành ban đầu của lô trái phiếu này là 718 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm và giá trị đang lưu hành còn 338,5 tỷ đồng.

Lãi đột biến dưới thời lãnh đạo của vợ và con gái

Tập đoàn Nam Cường được thành lập với tên ban đầu là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy năm 1984, với người sáng lập là cố Chủ tịch Trần Văn Cường. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn với tên mới là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường từ ngày 20/12/2007 và đến tháng 8/2009 được đổi tên giao dịch thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.

Sau khi người sáng lập Trần Văn Cường qua đời, vợ ông – bà Lê Thị Thúy Ngà đã trở thành Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất nắm 94% vốn tập đoàn (tính đến năm 2016), trong khi ái nữ Trần Ngọc Quỳnh sở hữu 3%. Vị trí Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật được nắm bởi ông Trần Văn Nghĩa (SN 1970) – em trai thứ 9 của ông Trần Văn Cường.

Nam Cường ghi dấu ấn trên thị trường với hàng loạt những dự án bất động sản tầm cỡ như: Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Cổ Nhuế (quy mô 17,6 ha) tại Hà Nội; Khu đô thị mới Hòa Vượng (55,4 ha), Thống Nhất (63,9 ha) và Mỹ Trung (191,5 ha) tại Thành phố Nam Định; Khu văn hóa Thể thao và Đô thị mới phía Đông (138 ha), Khu đô thị phía Tây (595 ha) tại thành phố Hải Dương…

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Nam Cường có các dự án như Khu tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang (32,32 ha), cùng hàng loạt khách sạn, như Khách sạn Nam Cường Hải Phòng, Khách sạn Nam Cường Nam Định, Khách sạn và Resort Nam Cường Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Khách sạn Nam Cường Dương Nội, Khách sạn Nam Cường Hải Dương hay Khách sạn Nam Cường Phú Quốc.

Nếu ở hai thập niên đầu đầu, Nam Cường phát triển thần tốc và nắm trong tay quỹ “đất vàng” tiềm năng nhờ việc thực hiện những dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) quy mô lớn. Tuy nhiên, dù có điểm khởi đầu thuận lợi, 10 năm gần đây, tập đoàn này loay hoay trong việc triển khai các dự án và dần bị các đối thủ “sinh sau đẻ muộn” như VinGroup, SunGroup… bỏ lại rất xa.

Dự án Khu đô thị Dương Nội, với quy mô gần 200ha, là phần đất đối ứng được tỉnh Hà Tây (cũ) nay là thành phố Hà Nội trả cho Tập đoàn Nam Cường thực hiện dự án tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT.

Theo kế hoạch sẽ hoàn thiện toàn bộ trong năm 2015, nhưng đến nay, Nam Cường mới chỉ triển khai được một phần. Phần lớn diện tích còn lại vẫn bị bỏ hoang. Thậm chí, Tập đoàn này còn phải “xẻ thịt” dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp như Xuân Mai Complex, Ceninvest. Trong khi các nhà đầu tư thứ cấp khá thành công với những chung cư được xây dựng từ đất mua lại của Tập đoàn Nam Cường thì bản thân doanh nghiệp này lại vẫn gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ gặp nhiều khó khăn trong triển khai dự án, nhiều dự án của Nam Cường còn rơi vào tình trạng “phủ mền đắp chiếu” như tại Khu đô thị Thạch Phúc quy mô 507ha, Khu đô thị sinh thái Chúc Sơn (Chương Mỹ) quy mô 750ha.

Hay, tại Nam Định, 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung (Tây Bắc TP. Nam Định) được UBND tỉnh này giao cho Nam Cường Group làm chủ đầu tư và thực hiện theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, dự kiến hoàn thành trong 2-3 năm sau đó. Tuy nhiên, ngoài Khu đô thị Hòa Vượng được triển khai thì Khu đô thị Thống Nhất và Mỹ Trung lại chậm tiến độ.

Theo Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/tap-doan-nam-cuong-duoi-thoi-ba-tran-ngoc-quynh-lai-nghin-ty-du-thi-truong-lao-doc-post135018.html