QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thanh khoản sụt giảm, VN-Index tăng nhẹ

VN-Index vẫn tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang có xu hướng nâng cao tỉ trọng tiền mặt và chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.

VN-Index tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 12/1. Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch ngày 12/1, độ rộng thị trường lại nghiêng về số mã giảm với 410 mã, chỉ có 336 mã là tăng. Thị trường tăng trong phiên giao dịch sáng và điều chỉnh trở lại trong phiên giao dịch chiều. Nhưng lực cầu gia tăng trong phiên ATC đã giúp cho các chỉ số chính kết phiên với mức tăng nhẹ.

Tốc độ giao dịch chậm, cùng với sự ảm đảm vẫn tiếp tục được ghi nhận trong phiên sáng khi lực bán chủ động lập tức xuất hiện quanh vùng điểm 1060 khiến cho VN-Index nhanh chóng đảo chiều lùi về dưới mốc tham chiếu.

Kết phiên giao dịch hôm qua, VN-Index đóng cửa tại 1.056,39 điểm, tăng nhẹ 0,63 điểm (+0,06%) với thanh khoản đạt hơn 8.700 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Như vậy, chỉ số chính sàn HOSE gần như đi ngang quanh ngưỡng 1.050 điểm trong suốt 7 phiên giao dịch gần nhất.

Theo số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sắc xanh của chỉ số chính sàn HOSE có được nhờ một vài Large Cap được kéo trong phiên ATC như VHM (+1,4%), VPB (+1,4%), GAS (+0,8%), VIB (+2,8%). Bốn mã này đã đóng góp 1,889 điểm vào chỉ số VN-Index.

Ngoài ra, sự tích cực ở nhóm ngành dầu khí và thủy sản cũng đóng góp phần nào vào mức tăng của thị trường chung như PVS (+4,4%), PVD (+6,9%), BSR (+3,4%), PVC (+9,5%), OIL (+3,4%) đều tăng mạnh; ANV (+6,9%), VHC (+3,2%), FMC (+3,2%), CMX (+3,7%)… đều tăng tốt.

Nhóm bất động sản nhích nhẹ nhờ NVL (+0,3%) IDC (+3,3%), KBC (+1,6%), VHM (+1,4%)…, nhưng vẫn còn khá nhiều mã bất động sản chìm trong sắc đỏ như CEO (-2%), PDR (-1%), DIG (-1,9%), DXG (-2,2%), VIC (-0,2%), HPX (-4,7%), KDH (-4,6%)…

Trong khi đó, đà mua ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục được duy trì xuyên suốt phiên với thanh khoản 306,34 tỷ đồng trên HOSE. HPG và VHM là 2 mã được mua nhiều nhất với giá trị ròng lần lượt đạt 81 tỷ đồng và 36 tỷ đồng. Trong khi đó, mã bị bán ròng mạnh nhất là MSN với gần 12 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức chênh lệch âm xuống còn -1,04 điểm. Điều này cho thấy là tâm lý của các trader đã trở nên ít tiêu cực hơn đối với xu hướng của thị trường.

Theo các chuyên gia của SHS, thị trường khả năng ít biến động mạnh trong bối cảnh dòng tiền suy giảm trước kỳ nghỉ tết Âm lịch. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, cơ hội sẽ thực sự rõ ràng hơn khi thị trường quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ tết.

Với góc nhìn trung – dài hạn, gần với kỳ vọng VN-Index sẽ thoát khỏi trạng thái Downtrend trong thời gian ngắn sắp tới. Nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại để đón đầu giai đoạn mới tích lũy và bùng nổ.

Hướng giải ngân nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới và tận dụng các phiên thị trường điều chỉnh giảm điểm để giải ngân.

Chuyên gia của VCBS khuyến nghị, các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, đóng vị thế đối với những cổ phiếu đang tỏ ra hụt hơi và không thu hút được lực cầu để đảm bảo tỷ trọng tài khoản ở mức an toàn khi thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro và chưa có tín hiệu thay đổi trạng thái.

Theo Nguyễn Luận/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/thanh-khoan-sut-giam-vn-index-tang-nhe-p44007.html