QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thanh tra chỉ rõ nhiều sai phạm của Prudential Việt Nam và 3 doanh nghiệp bảo hiểm khác

 Sau khi thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm là Prudential Việt Nam, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, Cơ quan Thanh tra Bộ Tài Chính đã phát hiện nhiều sai phạm, chủ yếu liên quan đến khâu tư vấn của các công ty bảo hiểm. Được biết trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ mở rộng phạm vi thanh tra lên 10 đơn vị.

Mới đây, Cơ quan thanh tra Bộ Tài Chính đã phát hiện nhiều sai phạm tại Prudential Việt Nam cùng 3 doanh nghiệp bảo hiểm khác là MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. (Ảnh minh hoạ).

Chiều ngày 30/6, Bộ Tài Chính đã công bố thông tin về kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp gồm: Prudential Việt Nam, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Theo đó, kết quả thanh tra cho thấy, các hoạt động này còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới bảo hiểm đối với khách hàng.

Cụ thể, các hành vi vi phạm điển hình được Bộ Tài Chính chỉ rõ: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp. Nhân viên đồng thời không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, có tồn tại tình trạng nhân viên công ty bảo hiểm để cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin cũng như không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Theo Bộ Tài Chính, đây là những hành vi sai phạm phải xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công bố công khai nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài Chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm Prudential Việt Nam, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần có trách nhiệm khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.

Bộ Tài Chính cũng yêu cầu Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife thực hiện việc quản lý chặt chẽ các đại lý; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm.

Đồng thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Trong đó các đại lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp này phải rà soát danh mục khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản này phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đầy đủ chứng từ, bằng chứng chứng minh, phù hợp với quy định pháp luật. Song song với đó, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát việc quản trị rủi ro, đảm bảo các tiêu chí an toàn tài chính, an toàn vốn của doanh nghiệp theo đúng quy định.

Theo Bộ Tài Chính, thị trường bảo hiểm nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng thời gian qua có sự tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng. Do vậy ngay trong năm 2022, lãnh đạo Bộ Tài Chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Bộ Tài Chính cũng cho biết sẽ phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng. Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2023, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài Chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.

Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) là thành viên thuộc Prudential plc – Tập đoàn tài chính toàn cầu có hoạt động tập trung tại các thị trường tăng trưởng mạnh mẽ ở Châu Á. Prudential đã hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm và tập trung vào việc mở rộng thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Nói về Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam thì phải kể đến vụ một đại lý bảo hiểm của công ty này ở Quảng Ninh lừa hàng trăm tỷ đồng của khách hàng xảy ra vào thời điểm những năm 2009 – 2011. Vụ việc này không những gây chấn động trong giới bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam mà còn gây chấn động dư luận xã hội thời điểm đó.
Ngoài ra, Prudential Việt Nam cũng dính nhiều tai tiếng và “lùm xùm” liên quan đến việc từng bị cơ quan chức năng “phanh phui” hàng loạt sai phạm; bị khách hàng “tố” không minh bạch trong lãi suất vay, coi thường và bỏ rơi khách hàng, gây khó dễ cho khách hàng, vô trách nhiệm đối với khách hàng…; thậm chí doanh nghiệp này cũng từng bị khách hàng kiện ra toà và từng thua kiện tại Toà phúc thẩm vào năm 2004.

Theo Thùy Chi/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/thanh-tra-chi-ro-nhieu-sai-pham-cua-prudential-viet-nam-va-3-doanh-nghiep-bao-hiem-khac-post135903.html