QC 1
Thứ 5, ngày 02/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường chứng khoán giảm 15 điểm, cổ phiếu SHB khớp lệnh kỷ lục

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực lớn trong phiên 31/1, khiến VN-Index giảm 15,34 điểm xuống 1.163 điểm. Bất ngờ là khối lượng giao dịch cổ phiếu SHB tăng kỷ lục 127 triệu đơn vị.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 1/2024 bằng một phiên giảm mạnh 15,34 điểm, khiến VN-Index rơi xuống 1.164 điểm. Nhóm cổ phiếu trụ cột, vốn hoá lớn trong rổ VN30 cũng đỏ lửa, chỉ số giảm xuống 1.166 điểm.

 Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực lớn trong phiên 31/1/2024

Áp lực đè giảm chỉ số đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ “quay xe” lao dốc sau 2 tuần tăng tích cực, đồng loạt lao dốc mạnh.

Các cổ phiếu ngân hàng được cho là “tội đồ” trong phiên 31/1 khiến VN-Index giảm mạnh như: VCB giảm tới 2,75%, BID giảm 1,55%, CTG giảm 1,86%, VPB giảm 1,52%, TCB giảm 1,85%, MBB giảm 1,58%.

Ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ hơn, gây bất ngờ nhất là SHB khi giảm 5,69% sau tin đồn lan truyền trong các hội nhóm, khiến mã này bị bán mạnh, thanh khoản tăng kỷ lục lên 127 triệu đơn vị. Giá trị giao dịch lên tới 1.510 tỷ đồng và là phiên giao dịch kỷ lục của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết trên sàn năm 2009.

Đóng cửa phiên 31/1, thị giá SHB giảm xuống thấp nhất phiên 11.600 đồng/CP, vốn hóa thị trường “bốc hơi” hơn 2.500 tỷ đồng, còn gần 42.000 tỷ đồng. Như vậy, phiên nay đã đánh bay thành quả tăng trưởng của cổ phiếu SHB trong vòng 2 tháng qua.

Tiếp đó là hàng loạt cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực giảm mạnh như EIB giảm 3,1%, OCB giảm 2,94%, STB giảm 2,61%, MSB giảm 2,16%.

Nhìn lại các giao dịch lớn trên sàn chứng khoán, SHB trở thành cổ phiếu thứ 7 trên sàn chứng khoán Việt Nam có khối lượng khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị/phiên, tiếp sau GEX, ROS, FLC, NVL, DIG, HPX. Điểm chung của những phiên có khối lượng đột biến lớn này là doanh nghiệp xuất hiện tin đồn tiêu cực về tình hình kinh doanh, mất khả năng thanh toán trái phiếu, vi phạm hay lãnh đạo dính lao lý…

Thanh khoản của cổ phiếu SHB tăng đột biến diễn ra sau khi Ngân hàng SHB vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 4/2023 đạt 735 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 579 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, SHB ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 20.523 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.244 tỷ đồng, giảm 4,6%. Lợi nhuận sau thuế ở mức 7.470 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao (hơn 10.600 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận của SHB giảm chủ yếu do tăng trích lập chi phí dự phòng thêm hơn 41%, lên 7.412 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng so với năm 2022 giúp SHB tiếp tục cải thiện đệm dự phòng rủi ro lên mức 75%.

Trong năm 2023, ngân hàng cũng tăng chi phí hoạt động lên mức 5.035 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp co hẹp.  

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của SHB ở mức 630.400 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 13,7% so với đầu năm, lên mức 438.500 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng ở mức 12.483 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm nhưng đã giảm so với kết quả 13.484 tỷ đồng vào cuối quý 3 trước đó. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,85% dư nợ, tương đương với đầu năm.

Năm qua, SHB cũng đã hoàn thành nâng vốn điều lệ lên mức 36.194 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế Top 4 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống. Vốn tự có theo tiêu chuẩn Basel II đạt 70,3 nghìn tỷ đồng.

Các chỉ số an toàn, quản trị rủi ro của SHB đều tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuân thủ theo chuẩn Basel II và Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản.

Theo Hải Hà/Tạp chí Việt-Mỹ