QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường chứng khoán ngày 21/10: Kết phiên sáng 2 sàn giảm điểm, châu Á trái chiều

Sự điều chỉnh ở nhóm ngân hàng là lý do chính khiến VN-Index vẫn chưa lấy lại được sắc xanh. Bất ổn liên quan Brexit tái xuất hiện, chứng khoán châu Á trái chiều.
Ảnh minh hoạ

Kết phiên sáng, trên sàn HoSE, VN-Index giảm 0,89 điểm tương đương 0,09% xuống mức 988,31 điểm. Toàn sàn có 128 mã tăng giá, 169 mã giảm giá, 43 mã đứng giá tham chiếu. 

Trên sàn HNX, HNX-Index giảm 0,82 điểm tương đương 0,77% xuống mức 104,66 điểm. Toàn sàn có 48 mã tăng giá, 75  mã giảm giá, 37 mã đứng giá tham chiếu. 

Độ rộng trong rổ VN30 dừng lại ở 11 mã tăng, 17 mã giảm và 2 mã đứng giá. Toàn bộ mã thuộc nhóm ngân hàng từ rổ này đều điều chỉnh, với VCB, TCB và VPB là tệ nhất với mức giảm hơn 1%, qua đó cùng với VHM là những tác nhân chính tạo sức ép lên VN-Index. Ở chiều ngược lại, sự lớn mạnh dần ở SAB, REE, VNM và VJC là những nguyên nhân giúp chỉ số tránh được sự giảm sâu.

Nhóm bất động sản vẫn cho thấy sự tích cực khi sắc xanh hiện mở rộng trong nhóm, với nhiều khả năng đến từ lực cầu bắt đáy bởi đa số các mã này đều đã tiến về những đỉnh cũ bị phá vỡ/đáy cũ trong quá khứ. Điển hình như SZL sau khi 2 lần kiểm định đáy cũ tháng 06/2019 đã bật tăng hơn 5%, SZC thì bật trở lại từ đỉnh cũ bị phá vỡ tháng 03/2019, đối với BCM thì là đỉnh cũ bị phá vỡ tháng 07/2019. Điểm chung của các mã này hiện nằm ở mức kháng cự là đường SMA 50 ngày với nhịp hồi hiện tại. D2D là một trong những mã đã vượt được mức này và hiện đang điều chỉnh trở lại ở mức hơn 2%.

Sắc đỏ tiếp tục hoành hành tại nhóm chứng khoán, sau khi báo cáo kết quả kinh doanh “đi lùi” của quý 3/2019 ở ba “ông lớn” trong nhóm là SSI, HCM và VND. Cả ba đều đang điều chỉnh với HCM giảm mạnh nhất ở mức gần 2%. Theo góc nhìn kỹ thuật, VND đã rơi trở lại về đáy cũ tháng 09/2019 và đang rung lắc tại đây, trong khi HCM và SSI đang trụ lại tại đường SMA 50 ngày. Nếu đánh mất đường này thì nhiều khả năng viễn cảnh của cả hai mã sẽ không khác gì so với VND.

Số mã tăng trần thuộc “họ FLC” đã tăng thành con số 3 khi AMD và HAI tham gia hội tăng trần cùng FLC. Cả ba đều đang trong tình trạng trắn bên bán, với mã ấn tượng nhất là FLC khi hiện con số cổ phiếu được đặt ở mức trần đã vượt 12 triệu đơn vị. Sắc tím cũng đã trở lại với FTM.

Sự phân hóa đang diễn ra ở vô số các nhóm ngành trên thị trường, ví dự như thủy sản, phát điện, bất động sản dân dụng, xây dựng,… Song ở mỗi nhóm đều có điểm nhấn riêng, với CMX nằm sàn ở nhóm thủy sản, LDG giảm cận sàn, C69 từ nhóm xây dựng đã sàn trở lại song một khoảng thời gian hiện sắc xanh vào đầu phiên.

Dịch vụ tư vấn hỗ trợ hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.18%. Ngược lại, sản phẩm cao su hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.54%.

Khối ngoại bán ròng hơn 12 tỷ đồng trên sàn HoSE và gần 2 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu GTN, MSN và VRE trên sàn HoSE. NTP, CEO và PVS hiện là các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.

Tại thị trường châu Á, MSCI châu Á – Thái Bình Dương, không gồm Nhật Bản, tăng 0,19% trong phiên sáng 21/10. Thị trường chứng khoán Trung Quốc nhìn chung giảm. Shanghai Composite giảm 0,51%, Shenzhen Composite giảm 0,52%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 0,17%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,19%, Topix tăng 0,35%. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,2%. ASX 200 của Australia giảm 0,29% với hầu hết các lĩnh vực đều giảm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang gặp nhiều trở ngại trong việc thuyết phục quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit mới, đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hôm 17/10. Nếu thất bại, ông sẽ phải đề nghị EU gia hạn ly hôn, thay vì hạn chót 31/10 hiện tại, nhưng EU không cần phải chấp thuận.

Theo Anh Khang/TBCK