QC 1
Thứ 6, ngày 17/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thị trường gạo tháng 7/2021: Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo bị co hẹp

Trong tháng 7, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chi phí leo thang đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo niêm yết bị “co hẹp” lại. Tình trạng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong quý III/2021 khi dịch bệnh hiện vẫn chưa được kiểm soát.

A – Thị trường gạo thế giới

1. Sản xuất – Tiêu thụ

Trong tháng 7, sản lượng sản xuất gạo thế giới 43,3 triệu tấn, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm trước theo FAO.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng sản xuất gạo toàn cầu tháng 7 ước khoảng 42,2 triệu tấn, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) ước tính sản xuất gạo toàn cầu tháng 7 đạt 42,7 triệu tấn, tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tính toán của FAO, sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu tháng 7 đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020. Còn theo IGC ước tính sản lượng tiêu thụ gạo tháng 7 ở mức 42,5 triệu tấn, tăng 0,25%.

Ảnh minh họa

2. Diễn biến giá

Trong tháng 7, chỉ số giá gạo FAO trung bình đạt 101,2 điểm, thấp nhất trong vòng hai năm qua, giảm 6,6% so với tháng trước (tại 2002 – 2004 là 100 điểm) và giảm 8,2% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, gạo thơm giảm mạnh xuống 84,4 điểm.

Theo Reuters, giá gạo đồ 5% tấm tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Ấn Độ, giảm còn 354 – 358 USD/tấn vào cuối tháng 7 từ mức 361 – 366 USD của tuần trước.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ từ 385 – 408 USD/tấn của tuần cuối tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2019, lên 385 – 410 USD/tấn. Theo các thương lái, nguồn cung không thay đổi, trong khi chi phí vận chuyển cao đã ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng xuất khẩu dù giá đang ở mức thấp. “Giá đang biến động dưới tác động chủ yếu của tỷ giá, nhưng chi phí vận chuyển cao đã làm giảm nhu cầu”, một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho hay.

Chi phí vận chuyển hàng hóa ở Thái Lan đã tăng kể từ tháng 10/2020 và đạt mức cao nhất vào tháng 2, tháng 3 năm nay sau khi Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, tăng cường các xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, đây cũng là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Thái Lan.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức 390 USD/tấn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Các thương nhân cho biết nguồn cung trong nước tăng lên khi vụ Hè Thu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng giao dịch vẫn chậm do hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

“Nông dân đang gặp khó khăn trong việc bán lúa mới thu hoạch, và nhiều người trong số họ do dự không tiếp tục sản xuất vào vụ sau”, một thương lái có trụ sở tại TP HCM cho biết.

B – Thị trường gạo Việt Nam

1. Sản xuất

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.099,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 909,2 nghìn ha, bằng 99,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 190,4 nghìn ha, bằng 97,8%.

Đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.949,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 177,9 nghìn ha, bằng 102,2%; các địa phương phía Nam đạt 1.771,7 nghìn ha, bằng 100,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.507,9 nghìn ha, bằng 99,1%.

Đến nay, phần lớn các trà lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng đến chín, các trà lúa sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 436,4 nghìn ha, bằng 87,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 427,2 nghìn ha, bằng 86,9%. Cũng đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 294,9 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,9% so cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng; sinh trưởng và phát triển tốt.

Ảnh minh họa

2. Tiêu thụ

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của cả nước trong tháng 7/2021 tăng 6,6% về lượng so với tháng 6/2021 nhưng giảm nhẹ 0,6% về kim ngạch và giảm 6,7% về giá, đạt 464.792 tấn, tương đương 240,15 triệu USD, giá trung bình 526,7 USD/tấn. So với tháng 7/2020 thì giảm 2,9% về lượng nhưng tăng 3,6% kim ngạch và tăng 6,7% về giá.

Trong tháng 7, đáng chú ý nhất là xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ biển Ngà tăng trưởng rất mạnh so với tháng 6/2021, tăng 1.115% về lượng và tăng 911,6% kim ngạch, đạt 62.989 tấn, tương đương 32,35 triệu USD, nhưng giá giảm 16,8%, đạt trung bình 513,6 USD/tấn.

Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 36,3% về lượng, giảm 46,9% kim ngạch và giảm 16,7% về giá, đạt 62.508 tấn, tương đương 29,59 triệu USD, giá 473,5 USD/tấn.

Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2021 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 3,49 triệu tấn, tương đương gần 1,89 tỷ USD, giá trung bình đạt 540,7 USD/tấn, giảm 12,7% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020, giảm 3,1% về kim ngạch, nhưng giá tăng 11%.

Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, chiếm 36,4% trong tổng lượng và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt trên 1,27 triệu tấn, tương đương 665,72 triệu USD, giá trung bình 523,9 USD/tấn, giảm 15% về lượng, giảm 3,3% về kim ngạch nhưng tăng 13,8% về giá so với 7 tháng đầu năm 2020.

Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, mặc dù khối lượng và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng nhưng giá xuất khẩu lại giảm; cụ thể, khối lượng đạt 643.351 tấn, tương đương 338,21 triệu USD, giá trung bình 525,7 USD/tấn, tăng 30,5% về lượng, tăng 15,3% về kim ngạch nhưng giảm 11,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 18% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 267.549 tấn, tương đương 136,51 triệu USD, giá 510,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 1%, 16% và 15% so với cùng kỳ, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang thị trường Bangladesh tăng rất mạnh 9.322,8% về lượng, tăng 10.972% kim ngạch, tăng 17,5% về giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 52.862 tấn, tương đương 31,97 triệu USD, giá 604,8 USD/tấn.

Ngược lại, xuất khẩu sang Malaysia giảm rất mạnh, giảm 59,7% về lượng, giảm 50,5% về kim ngạch nhưng tăng mạnh 22,7% về giá, đạt 166.673 tấn, tương đương 87,37 triệu USD, giá 524,2 USD/tấn, chiếm gần 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước.

3. Diễn biến giá

Trong tháng 7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giữ ở mức 390 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. So cùng thời điểm này năm ngoái với mức giá trung bình 485 USD/tấn, gạo xuất khẩu hiện tại thấp hơn gần 100 USD/tấn.

Trong khi đó tại thị trường trong nước, giá lúa thu mua tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đi ngang sau thời gian giảm sâu do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động mua bán, sản xuất bị ngưng trệ hàng loạt.

Cụ thể, giá lúa IR50404 được thương lái thu mua từ 4.600 – 5.000 đồng/kg, lúa OM 9582 giá 4.600 – 4.900 đồng/kg, OM 6976 giá 5.100 – 5.200 đồng/kg, ST24 từ 6.100 – 6.200 đồng/kg… So cùng thời điểm vào mùa vụ này năm ngoái, giá lúa mua vào năm nay thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg.

Ảnh minh họa

C – Dự báo

Đánh giá về triển vọng giá gạo những tháng cuối năm 2021, USDA dự báo nhờ bội thu nên nguồn cung gạo Ấn Độ sẽ tiếp tục dồi dào, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 122 triệu tấn, tăng 2,6% giúp duy trì giá gạo ở mức thấp.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, cạnh tranh xuất khẩu của Ấn Độ tăng và nguồn cung nội địa Việt Nam dồi dào hơn sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân nên để duy trì sản lượng xuất khẩu, giá gạo Việt có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Giá gạo giảm sẽ phần nào làm hạn chế mức chi tiêu của người nông dân cho các loại vật tư nông nghiệp.

Philippines là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước ta khi chiếm tỷ trọng 36% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Vậy nên, biến động trong nhu cầu gạo của Philippines sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cạnh tranh xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines dự kiến sẽ tăng cao do: Dự kiến sản lượng nhập khẩu của quốc gia này sẽ giảm 14%, xuống còn 2,1 triệu tấn khi ngành lúa gạo năm nay được mùa, USDA dự báo sản lượng nội địa của Philippines sẽ đạt 12,4 triệu tấn, tăng 4%.

Philippines đã xóa bỏ chênh lệch mức thuế giữa ASEAN và các nước ngoài ASEAN. Cụ thể, Chính phủ nước này đã điều chỉnh giảm mức thuế MFN (Most Favored Nation – có áp dụng cho Ấn Độ) từ 40% trong hạn ngạch và 50% ngoài hạn ngạch xuống 35% – bằng mức thuế áp dụng với các quốc gia thuộc ASEAN. Mục đích nhằm đa dạng hóa nguồn cung để nhập khẩu gạo với giá rẻ hơn, nhằm kiểm soát lạm phát.

Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng đối với tình hình xuất khẩu gạo nửa cuối năm. Dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu năm 2021 sẽ đạt 6,3 triệu tấn tăng 2,2% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu gạo tăng ở các nước Trung Quốc, Bangladesh và Hàn Quốc.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-gao-thang-72021-loi-nhuan-doanh-nghiep-nganh-gao-bi-co-hep-100686.html