QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Thuế tối thiểu toàn cầu

Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam như thế nào?

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do OECD khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo Quy tắc này, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%.

Xét về mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý. Song, một khi Quy tắc này được các nước áp dụng thì có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, nguồn vốn đầu tư FDI từ các tập đoàn lớn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt chuỗi cung ứng và định hình cơ cấu vốn, ngành nghề… Để thu hút những tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, ưu đãi thuế hiện là công cụ chính để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Ai cũng biết, một trong những lý do mà các tập đoàn đầu tư tại Việt Nam là các ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam bị “vô hiệu hóa” và không còn mang lại nhiều lợi ích cho các tập đoàn lớn.

Có thể nói, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam ở phân khúc tầm trên, gồm các nhà đầu tư có quy mô hoạt động trên toàn cầu. Nếu Việt Nam không thay đổi quy định trong nước thì không chỉ gây ra thất thu thuế mà còn thất bại trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư.

Bối cảnh vốn FDI của Việt Nam trong 5 năm gần đây

Với tình hình trước mắt, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng nghiên cứu, đánh giá tác động và tìm ra giải pháp trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để hạn chế các tác động tiêu cực của chính sách đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể cân nhắc một số giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa, hiện đại hóa việc quản lý thuế, nâng cao hiệu quả của các chính sách thuế và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đầu tư, nhất là các biện pháp hỗ trợ sau thuế theo xu thế chung và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Theo Nam An/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-1553387706-p44173.html