QC 1
Chủ nhật, ngày 12/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Toàn cảnh thị trường chứng khoán tuần từ 2-6/10/2023: Chưa đủ cơ sở để khẳng định VN-Index đã tạo đáy

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến những phiên điều chỉnh mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên của quý IV. Dù hồi phục khá tốt trong phiên cuối tuần nhưng VN-Index vẫn mất tới gần 26 điểm so với tuần trước và hiện đang đứng tại mốc 1.128,54 điểm, qua đó ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số này.

Sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh vào cuối tháng 9, VN-INDEX bắt đầu tuần đầu tiên của quý IV/2023 với nhiều biến động. Phiên giao dịch đầu quý có thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 05/2023. Áp lực bán gia tăng mạnh trong 2 phiên sau đó khiến cho VN-INDEX thậm chí chạm vùng hỗ trợ mạnh tại 1.105 điểm, tương ứng vùng giá MA200 phiên. Phiên giao dịch cuối tuần VN-INDEX tăng điểm, nhưng kết thúc tuần vẫn giảm 2,22% so với tuần trước, qua đó có 4 tuần liên tiếp giảm điểm từ vùng giá quanh 1.250 điểm về mức 1.128,54 điểm. HNX-INDEX cũng giảm 4 tuần liên tiếp với mức giảm 2,50% trong tuần đầu tháng 10/2023 về mức 230,45 điểm.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 73.303,24 tỉ đồng, giảm khá mạnh 21,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 19,80%, giảm khá nhanh so với các tuần trước, dưới mức trung bình. Thanh khoản HNX giảm 17,3% với 8.740,16 tỉ đồng. Diễn biến trên thể hiện áp lực bán giảm dần trong tuần qua và thị trường phục hồi tốt ở vùng giá trung bình MA200 phiên ở mức quanh 1.105 điểm. 

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tuần thứ 5 liên tiếp, giá trị bán ròng giảm với 389,1 tỉ đồng trên HOSE; bán ròng trên HNX với giá trị 79,21 tỷ đồng.

Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin như PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2023 đạt 49,7 điểm so với 50,5 điểm trong tháng 8; Thị trường châu Âu bắt đầu đánh thuế carbon từ 1/10/2023 đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro; Thủ tướng ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam trị giá 58,7 tỉ USD và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Trong tuần qua, nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực trong tuần qua khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG (-14,29%), CEO (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG (-11,16%), NVL (-10,90%),… tuy nhiên mức độ phân hóa cũng cải thiện khi có nhiều mã đã phục hồi tốt, thu hút dòng tiền ngắn hạn như TCH (+2,16%), HHS (+1,75%), VHM (+1,21%), HDC (+0,65%),…

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng có diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình với CTS (-9,34%), WSS (-5,80%), VCI (-5,45%), BSI (-4,88%),… ngoài một số mã tăng giá khi có thông tin chia cổ tức, dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quí III như BVS (+3,91%), SSI (+3,62%), PSI (+2,08%),…

Các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến khá tích cực so với thị trường chung khi đa số tăng điểm, thanh khoản cải thiện như DTD (+13,36%), VGC (+9,91%), TIP (+7,53%), GVR (+3,59%),…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhiều mã giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường như NVB (-9,92%), TPB (-5,88%), EIB (-5,01%), BID (-4,85%), TCB (-4,99%),… ngoài STB (+0,98%), BVB (+0,96%),… phục hồi.

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2310 kết thúc tuần ở mức 1.138,4 điểm, mức chênh lệch âm -1,38 điểm so với VN30, khối lượng giao dịch trong tuần trên mức trung bình khi các vị thế đầu cơ trong phiên tăng. Các kỳ hạn lớn hơn VN30F2311, VN30F2312, VN30F2403 chênh lệch từ -1,38, điểm đến -15,78 điểm. Các mức chênh giữa các kỳ hạn biến động khá bất thường, đảo ngược trong các phiên giao dịch cho thấy các trader kém lạc quan với chỉ số VN30 và các kỳ vọng liên tục thay đổi thể hiện sự thiếu chắc chắn trong tuần qua.
Xu hướng thị trường chứng khoán trong tuần từ 9-13/10Theo ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty CPCK VNDIRECT: “Trong những tuần tới, thị trường được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ. Chúng tôi đánh giá bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với 2 quý đầu năm và là sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.Sau nhịp điều chỉnh vừa qua, chỉ số VN-INDEX đang được giao dịch với P/E forward năm 2023 ở mức 12-12,5 lần, là mức hấp dẫn để nhà đầu tư xem xét giải ngân cho mục tiêu trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại vùng 1.120 (+/- 10 điểm), ưu tiên những ngành có triển vọng kinh doanh chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2023 như nhóm xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), nhóm đầu tư công, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phạm Thành Long – Chuyên viên tư vấn Công ty CK VNDriect cho rằng: “Mặc dù thị trường chứng khoán hồi phục tương đối mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, tuy nhiên chỉ số VN-Index chưa thể lấy lại mốc cao nhất trong phiên, chính vì vậy vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định VN-Index đã tạo đáy. Việc VN-Index tạo đáy hay chưa là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Với diễn biến hiện tại, VN-Index sẽ có 2 kịch bản trong tuần giao dịch tiếp theo.

Với kịch bản tích cực, có thể kì vọng VN-Indextích lũy đi ngang, sau đó tăng vượt qua vùng 1.140 điểm với thanh khoản lớn. Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng hồi phục về 1.180 điểm của thị trường là rất cao.

Với kịch bản tiêu cực, VN-Index tiếp tục xuyên thủng vùng 1.106 điểm và giảm sâu về vùng 1.070 điểm – 1.080 điểm. Nếu kịch bản này xảy ra, NĐT nên hạ tối đa 50% cổ phiếu và không nên vội vàng “bắt đáy”. Thay vào đó, NĐT nên quan sát và mở mua thăm dò với tỉ trọng thấp sẽ hợp lí hơn”.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SHS đưa ra nhận định: “Tuần thứ 4 điều chỉnh mạnh làm VN-Index đánh mất các ngưỡng hỗ trợ uptrend tại 1.150 điểm và 1.135 điểm, mặc dù phiên phục hồi tốt cuối tuần phát đi tín hiệu thị trường có thể kết thúc nhịp điều chỉnh. Chốt tuần VN-Index đóng cửa ở 1.128,54 điểm (-25,61 điểm, -2,23%). Tuy nhiên, do VN-Index vẫn chưa lấy lại được mốc hỗ trợ 1.135 điểm và thị trường điều chỉnh mạnh với biên độ rộng thời gian qua khiến cho động lực tăng giảm mạnh do đó thị trường sẽ cần nhiều thời gian để tìm điểm cân bằng mới và tích lũy chặt chẽ trở lại, những nỗ lực phục hồi trong thời gian tới sẽ mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn.

Về tình hình vĩ mô, nhìn chung kinh tế vĩ mô trong nước đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn, GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng dù tôc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng. Tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp và nguy cơ suy thoái vẫn xuất hiện tại một số quốc gia/khu vực, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước vẫn chưa cho thấy sẽ sớm kết thúc. Với tình trạng vĩ mô hiện tại, nhịp hồi phục từ đầu năm đã phản ảnh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

Thị trường trong ngắn hạn đang có tín hiệu hình thành đáy để có nhịp phục hồi mới và nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể tham gia giải ngân tại các phiên điều chỉnh với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi nếu hình thành thì cũng chỉ mang tính kỹ thuật. Trong trung, dài hạn thị trường vẫn chưa lấy lại được xu hướng uptrend nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao”.

Theo Kinh tế chứng khoán

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/toan-canh-thi-truong-chung-khoan-tuan-tu-2-6102023-chua-du-co-so-de-khang-dinh-vn-index-da-tao-day-204494.html