QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

TP.HCM: Đầu tư hàng chục nghìn tỷ mở đường nối các tỉnh Đông Nam Bộ

Hàng chục dự án làm đường mới, mở rộng đường hiện hữu, xây cầu… được TP. HCM tính toán, lên kế hoạch triển khai để giải cứu kẹt xe, kết nối các tỉnh thành lân cận.

Tăng kết nối 4 tỉnh miền Đông

11 dự án làm đường mới, mở rộng đường hiện hữu, xây cầu sắp được TP. HCM triển khai kết nối các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh giúp thay đổi diện mạo giao thông vùng Đông Nam Bộ.

Để tăng kết nối tỉnh Bình Dương, TP. HCM chuẩn bị mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài hơn 5km theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Đoạn đường sẽ được mở rộng lên 53 – 60m, tổng vốn khoảng 13.851 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 9.375 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công cuối năm 2025, hoàn thành năm 2028.

TP. HCM sẽ làm đoạn đường dẫn cao tốc kết nối từ nút giao Gò Dưa – Vành đai 2 TP. HCM đến ngã ba Độc Lập (giáp với tỉnh Bình Dương) dài khoảng 1,65km, rộng 60m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng.

Kết nối với tỉnh Đồng Nai, ngoài cầu Cát Lái, hiện TP. HCM và Đồng Nai đã thống nhất xây thêm 2 cây cầu khác là Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2.

Kết nối với tỉnh Long An, TP. HCM sắp mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) lên 52m cho 8 làn xe.

Tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng) theo hình thức BOT. Dự án dự kiến khởi công cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, hoàn thành năm 2028.

Đề xuất kéo dài đường Võ Văn Kiệt đến khu vực Khu công nghiệp Hải Sơn – Tân Đô ở huyện Đức Hòa (Long An), quy mô dự án có tổng vốn khoảng 8.400 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

TP. HCM cũng đề xuất mở đường mới phía Tây Bắc, dài khoảng 8km, rộng 40m. Dự án sẽ kéo dài đường liên ấp 6-2-5 từ đường Nguyễn Thị Tú và đường Vĩnh Lộc đến ranh tỉnh Long An. Đồng thời, đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh với đường Vành đai 3 TPHCM. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.800 tỷ đồng theo hình thức PPP, giai đoạn 2024 – 2030.

TP. HCM cũng dự kiến chi 2.421 tỉ đồng mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã Ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9) và xây dựng cầu Lớn.

Để kết nối tỉnh Tây Ninh, cao tốc TP. HCM – Mộc Bài dài khoảng 51km sắp được triển khai theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 19.600 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng hơn 6.700 tỷ đồng).

Giảm kẹt xe khu Đông thành phố

Ngoài ra, Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 TP. HCM) dài 9,1km sẽ được mở rộng lên 60m đáp ứng 8 làn xe, trên tuyến xây dựng một số cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ, nút giao Nguyễn Văn Bứa…

Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.100 tỷ đồng theo hình thức BOT. Công trình dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, hoàn thành sau 3 năm.

Bên cạnh đó, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 13.800 tỷ đồng, dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TP. Thủ Đức là một trong 5 dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu được thành phố thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98. Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương, dài gần 6 km, sẽ được mở rộng khoảng 20 m lên 53-60 m. Đây là cửa ngõ chính ở phía đông bắc TP. HCM, kết nối qua Bình Dương, Bình Phước, đồng thời là trục đường dẫn vào bến xe Miền Đông cũ.

Cũng ở TP. Thủ Đức, hai đoạn dài hơn 6 km thuộc Vành đai 2đang được thành phố lên kế hoạch khởi công vào năm 2025. Đây là hai trong 4 phân đoạn còn lại của tuyến vành đai chưa khép kín, được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư hồi năm ngoái với tổng kinh phí khoảng 13.871 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đại lộ Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn một với mức vốn khoảng 9.328 tỷ đồng. Đoạn 2 từ tuyến Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km, tổng kinh phí 4.543 tỷ.

Là một trong những khu vực có tình hình giao thông phức tạp nhất TP. HCM, nút giao thông An Phú ở cửa ngõ phía đông cũng đang được thành phố triển khai dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.

Một dự án khác được kỳ vọng giải cứu kẹt xe cho khu Đông là nút giao Mỹ Thủy, được đầu tư với kinh phí hơn 3.600 tỷ đồng. Công trình có quy mô ba tầng, trước đó ở giai đoạn một đã hoàn thành những hạng mục lớn như hầm chui, cầu vượt, Kỳ Hà 3…

Theo Trần Lê/Vietnam Finance