QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Tỷ giá sẽ ổn định đến hết năm

Rủi ro đối với tỷ giá trong nước dự kiến có thể đến từ bên ngoài với việc tác động từ dịch bệnh trên toàn cầu và kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa ngã ngũ đang được làm mờ dần…

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là tâm điểm chi phối diễn biến thị trường tài chính toàn cầu tuần qua. Đương kim Tổng thống Donal Trump đã vươn lên dẫn trước sau đêm bầu cử, nhưng làn sóng các lá phiếu ủng hộ qua thư sau đó đã giúp ông Joe Biden vượt lên. Tuy nhiên, ông Trump không dễ dàng đầu hàng khi tuyên bố sẵn sàng khởi kiện ra Tòa án Tối cao với những cáo buộc về gian lận kiểm phiếu. Những tưởng diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng thông qua gói kích thích tài khóa mới cho nước Mỹ, nhưng thị trường vẫn rất lạc quan.

Tại cuộc họp chính sách định kỳ ngày 5/11 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố vẫn giữ nguyên chính sách lãi suất cơ bản 0-0,25%/năm ít nhất tới năm 2023 và duy trì mua vào trái phiếu (120 tỷ USD/tháng). Cộng hưởng với tâm lý tích cực sau kết quả bầu cử, USD đã giảm giá mạnh, đẩy giá vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao. Chỉ số DXY lùi sâu về mức 92,2 (từ mức 94 cuối tuần trước), tất cả các đồng tiền đều tăng giá mạnh so với USD trong tuần qua: EUR (+1,95%), GBP (+1,61%), CHF (+1,9%), JPY (+1,25%)…

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên ở mức 23.060-23.270 đồng/USD, còn trên thị trường tự do giảm về mức 23.160-23.200 đồng/USD (tức giảm 105 đồng/USD) theo diễn biến của USD trên thị trường quốc tế. Cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá thuận lợi và tỷ giá USD/VND cũng được dự báo ổn định trong ngắn hạn.

Lãi suất USD các kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần có xu hướng đi ngang ở mức thấp từ 0,1-0,3%/năm. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 10/2020 đạt khoảng 23.000 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 15% so với giá trị giao dịch bình quân của tháng trước. Các giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần (chiếm khoảng 90% tổng khối lượng giao dịch).

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, nhìn chung, các yếu tố tác động lên lãi suất USD có xu hướng hỗ trợ sự ổn định của mặt bằng lãi suất. Cụ thể, lãi suất LIBOR USD trên thị trường quốc tế duy trì đi ngang ở mức thấp với kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tháng quanh mức 0-0,18%/năm khi Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng 10.

Bên cạnh đó, thanh khoản USD trong nước dồi dào khi chênh lệch huy động – cho vay USD vẫn duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

“Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động USD ước đạt khoảng 8%, trong khi cho vay USD có xu hướng giảm nhẹ khoảng 1%”, vị lãnh đạo BIDV tiết lộ.

Nhìn về xu hướng thời gian tới, một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhận định, trong tháng 11 này, thanh khoản USD liên ngân hàng sẽ duy trì sự ổn định với lãi suất bình quân quanh mức 0,1-0,3%/năm kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần và 0,7-0,9/năm kỳ hạn 3 tháng khi các yếu tố tác động nhìn chung chưa có nhiều thay đổi so với tháng trước.

Bên cạnh đó, cung cầu ngoại tệ thuận lợi trong nước vẫn sẽ là điểm tựa vững chắc cho xu hướng ổn định của tỷ giá USD/VND trong biên độ 23.175-23.200 đồng/USD. Nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động xuất nhập khẩu và giải ngân vốn FDI dự kiến tiếp tục duy trì ở mức lạc quan, đạt khoảng 1,5 tỷ USD đối với mỗi cấu phần. Cán cân cung – cầu ngoại tệ qua đó dự kiến sẽ thặng dư nhẹ khoảng 0,5 tỷ USD.

“Rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá trong nước có thể đến từ bên ngoài với khả năng dịch bệnh tiếp tục lây lan trên toàn cầu và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không thể kết thúc trong trật tự. Tuy nhiên, nhiều yếu tố vĩ mô tích cực đang khiến rủi ro này mờ dần”, nghiên cứu trên nhấn mạnh.

Theo Anh Khôi/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ty-gia-se-on-dinh-den-het-nam-82556.html