QC 1
Thứ 2, ngày 17/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vé máy bay gánh thuế phí quá cao: Bộ Tài chính thu rất ít, tiền vào túi ai?

Các hãng bay thì cho rằng, ngoài hơn 20 loại phí dịch vụ, giá vé máy bay còn “cõng” thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường… Trong khi tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng nói ‘tỉ lệ thuế, phí trong giá vé máy bay rất ít’

“Cõng” đủ các thứ thuế, phí

Theo khảo sát của VietnamFinance, ngày 24/05/2024, kiểm tra giá vé máy bay cho chuyến bay Hà Nội – Phú Quốc của một hãng hàng không ngày 5/6/2024 có mức giá 1 chiều là 3.045.000 vnđ, trong đó giá vé là 2,462.500 đồng, còn lại là thuế và phí là 583.400 đồng.

Trong thuế, phí bao gồm: Phụ thu dịch vụ hệ thống(Quốc nội) 215.000 đồng, Phụ thu quản trị hệ thống 215.000 đồng, phí sân bay quốc nội 99.000 đồng, phí an ninh soi chiếu 20.000 đồng, thuế VAT là 34.400 đồng.

Giá vé máy bay của một hãng hàng không khi kiểm tra bao gồm giá vé và thuế, phí. Ảnh chụp từ website

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, hiện giá vé máy bay được cấu thành bởi 4 yếu tố gồm: Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa, thuế giá trị gia tăng (VAT), các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh (gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý) và giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm theo nhu cầu (chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi, chọn suất ăn, bảo hiểm du lịch… do hãng quyết định).

Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa sẽ bao gồm giá vé cơ bản và các khoản thu được thể hiện dưới các tên như quản trị hệ thống, dịch vụ hệ thống… cùng đó là khoản thu xuất vé từ 50.000-100.000 đồng/vé. Tổng các khoản thu trên phải bảo đảm không vượt mức giá tối đa theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại Thông tư số 17/2019 và Thông tư số 34/2023.

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo một hãng bay cho biết mỗi khi cất/hạ cánh, mỗi máy bay phải gánh hơn 20 loại phí (còn gọi là giá dịch vụ). Theo thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định.

“Mỗi chiếc máy bay cũng phải cùng gánh các loại thuế như thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiệp… Trong đó các hãng hàng không nộp tới vài ngàn tỉ thuế bảo vệ môi trường mỗi năm”, vị này nói.

Chưa kể, có các khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm như suất ăn, mua thêm hành lý, dịch vụ nối chuyến, bảo hiểm… Đây là khoản thu không bắt buộc, do khách hàng lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng.

Tuy nhiên, chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 23-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng tỉ lệ thuế, phí trong vé máy bay được bộ này thu theo quy định và chiếm tỉ lệ rất thấp. Theo ông Phớc, khảo sát cho thấy thuế, phí mà các hãng hàng không thu hộ chiếm 10 – 30% tổng chi phí vé máy bay và gần như không đổi trong thời gian qua.

Trong đó các hãng thu hộ ngân sách nhà nước là thuế VAT do Bộ Tài chính quản lý. Các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản được các hãng thu hộ ACV, đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước. Phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm VAT)/khách người lớn, 10.000 đồng với trẻ em.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc – Ảnh: Quochoi.vn

Bộ Tài chính chỉ thu thuế VAT 8 – 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không, chiếm tỉ lệ ít trong giá vé máy bay. “Các loại phí mà mọi người nói chiếm tỉ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay… do ngành giao thông quản lý”, ông Phớc nói.

Thuế, phí và giá dịch vụ là khác nhau

Trao đổi vấn đề này với VietnamFinance, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, giá vé, giá dịch vụ như bên Cục Hàng Không Việt Nam, các hãng bay có đề cập khác với thuế, phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhắc đến. Mỗi bên nói đều có ý đúng.

Cụ thể, thuế, phí mà Bộ Tài chính thu theo quy định, đây là khoản thu của nhà nước theo luật Phí và lệ phí.

Còn phí (giá dịch vụ) mà các hãng bay nhắc đến là phí liên quan đến kinh doanh, được tính vào giá thành của dịch vụ. Ông Ánh ví dụ, bây giờ sử dụng dịch vụ của ngân hàng, phải chịu phí dịch vụ tin nhắn sms, phí này không hề ghi trong Luật Phí và lệ phí, nhưng vẫn phải tính vào giá của hoạt động kinh doanh.

Thị trường hàng không hiện nay cạnh tranh khá sòng phẳng, mặc dù chỉ còn 2 hãng bay, một bên của nhà nước, một hãng của tư nhân hoàn toàn. Nhà nước hiện chỉ quản lý mức giá trần, việc các hãng hàng không tăng giá theo mùa vụ, nhưng không vượt quá mức trần quy định thì họ không vi phạm điều gì.

“Đây là câu chuyện hoàn toàn do thị trường quyết định, can thiệp vào việc cao hay thấp thì chưa hợp lý”, ông Ánh khẳng định.

Khi được hỏi về giải pháp để giảm giá vé máy bay, ông Ánh nêu quan điểm, thị trường hàng không bản chất không phải là độc quyền, nếu có sự cạnh tranh tốt thì nhà nước có thể xem xét việc bỏ quy định mức giá trần. Chưa kể còn sự cạnh tranh chéo giữa hàng không và các hình thức vận tải khác.

“Khi mà giá vé máy bay tăng cao, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn phương tiện vận tải khác, và lúc đấy tự khắc ngành hàng không, cụ thể là giá vé máy bay sẽ tự điều chỉnh”, ông Ánh nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, với sự khác nhau như trên, cơ quan nhà nước chỉ có thể điều tiết giảm chi phí chuyến bay thông qua việc giảm chi phí liên quan trong vấn đề nhiên liệu, như giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT, cùng chi phí dịch vụ do Bộ GTVT định giá.

Theo lãnh đạo một hãng bay, quan trọng nhất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào, chứ không nên cứng nhắc.

“Quy định giá trần hiện nay không phụ thuộc vào giá dầu, giá máy bay như thế nào thì còn có một chút bất cập. Ngoài ra, với chính sách giảm phí điều hành bay trước đây, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội có điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, vị lãnh đạo này nói thêm.

Theo Xuân Thạch/ VietnamFinance