QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao cổ đông Vietjet “nhịn” cổ tức để ưu tiên chào bán cho quỹ đầu tư?

Vietjet muốn lấy ý kiến cổ đông về việc tạm hoãn trả cổ tức năm 2021 để ưu tiên chào bán 24,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nhằm có nguồn trả nợ thuê, mua tàu bay. Vậy ai sẽ được hưởng lợi nhờ thay đổi bất ngờ này?

Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (mã: VJC) vừa thông báo Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về hoãn thực hiện chia cổ tức năm 2021. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 5/12 đến ngày 15/12/2023.

Lý do đưa ra là công ty muốn ưu tiên thực hiện trước phương án chào bán 24,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ, sau đó mới chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, cổ đông Vietjet sẽ tiếp tục “nhịn” cổ tức của năm 2021 dù kế hoạch này đã được phê duyệt từ lâu.

Vì sao cổ đông Vietjet “nhịn” cổ tức để ưu tiên chào bán cho quỹ đầu tư? Ảnh. Vneconomy

Trước đó, Vietjet thông báo kế hoạch phát hành hơn 108 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% vốn điều lệ, tức sở hữu mỗi 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới. Nguồn chia cổ tức là từ lợi nhuận tích luỹ của công ty khoảng hơn 1.080 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh vận tải hàng không gặp khó khăn, dòng tiền thiếu hụt nên hãng bay Vietjet bất ngờ hoãn chia cổ tức, khiến các cổ đông hụt hẫng, khó hiểu.

Hơn một tháng trước, Vietjet thông báo chào bán 24,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán là 100.000 đồng/cổ phiếu cho 3 quỹ đầu tư trong nước, dự tính thực hiện ngay trong quý 4/2023 để thu về hơn 2.450 tỷ đồng.

Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán tiền đặt cọc mua tàu bay, trả tiền thuê tàu cho các đơn vị cho thuê tàu bay và thuê mua động cơ tàu bay.

Bên mua là 3 quỹ đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Leadvisor đăng ký mua 13,5 triệu cổ phiếu, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Amber mua 7,2 triệu cổ phiếu và Công ty TNHH Quản lý quỹ Thành Công dự kiến mua 3,8 triệu cổ phiếu.

Danh tính 3 quỹ đầu tư đăng ký mua toàn bộ 24,5 triệu cổ phiếu VJC. Nguồn: Vietjet  

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VJC hiện giao dịch quanh mức 105.700 đồng/CP, tăng 9,5% trong vòng 6 tháng. Thị giá hiện tại cao hơn gần 6% so với giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho 3 quỹ đầu tư, có thể được lợi về giá khi nhận lời đề nghị đầu tư vào Vietjet.

Tuy nhiên, vấn đề khó là nếu các cổ đông Vietjet tới đây vẫn biểu quyết triển khai phương án chia cổ tức với việc phát hành 108 triệu cổ phiếu, thì thị giá cổ phiếu VJC trên sàn chứng khoán sẽ điều chỉnh giảm mạnh do “pha loãng” cổ phiếu.

Hiện hãng hàng không này có hơn 541,61 triệu cổ phiếu lưu hành, tương ứng vốn điều lệ hơn 5.416 tỷ đồng.

Giả định giá cổ phiếu VJC duy trì 106.000 đồng/CP tại thời điểm chia tách (do phát hành 108 triệu cổ phiếu chia cổ tức từ nguồn vốn chủ sở hữu), thì ước tính thị giá VJC sẽ điều chỉnh giảm còn 88.375 đồng/CP.

Dễ thấy, nếu Vietjet thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trước, sau đó mới chào bán riêng lẻ 24,5 triệu thì các quỹ đầu tư mua vào lập tức chịu khoản lỗ tạm tính là 11,6%.

Chưa kể, khối lượng lớn 108 triệu cổ phiếu với giá 0 đồng khi đổ về tài khoản của các cổ đông có thể xảy ra làn sóng bán chốt lời, thu tiền mặt hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này tạo sức ép rất lớn đến khả năng cân đối thanh khoản cổ phiếu VJC trên sàn, có thể khiến giá cổ phiếu VJC “đổ đèo” giảm sâu hơn. Và 3 quỹ đầu tư mua 24,5 triệu cổ phiếu VJC sẽ chịu lỗ nặng nếu tình huống này xảy ra.

Trong một thương vụ đàm phán mua cổ phần riêng lẻ, nếu bên mua tính toán khả năng thua lỗ nặng ngay sau khi xuống tiền mua cổ phần, thì liệu họ có chấp nhận theo đuổi cuộc chơi không?

Thực tế, quá trình đàm phán với 3 quỹ đầu tư mua 24,5 triệu cổ phiếu VJC kéo dài nhiều tháng qua, vẫn chưa thể chốt được thoả thuận để phát hành vào Quý 4 này.

Đến nay, khi năm 2023 sắp kết thúc, phải chăng Vietjet phải chấp nhận “xuống nước” đưa ra quyết định hoãn kế hoạch phát hành 108 triệu cổ phiếu để đảm bảo lợi ích trước mắt của các quỹ đầu tư?

Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2023 Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 43.737 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Trong quý 3/2023, tình hình vận chuyển hàng không có khởi sắc hơn với giúp hãng khai thác an toàn 36.000 chuyến bay, vận chuyển hơn 6,8 triệu lượt hành khách, lần lượt tăng 2% và 5% so với cùng kỳ. Số lượng khách quốc tế đạt 2,3 triệu lượt khách, tăng 127% so với quý 3/2022.

Lượng hàng hoá vận chuyển đạt 20.300n tấn, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đó, doanh thu vận tải hàng không của quý 3/2023 đạt 14.235 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Vietjet đã mở mới 7 đường bay quốc tế và là hãng hàng không đầu tiên có đường bay kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất Australia, bao gồm Perth, Adelaide, Brisbane, Melbourne và Sydney, nâng tổng số đường bay lên 125 (45 đường bay quốc nội, 80 đường bay quốc tế).

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/vi-sao-co-dong-vietjet-nhin-co-tuc-de-uu-tien-chao-ban-cho-quy-dau-tu-491792.html