QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao Tập đoàn Đất Xanh liên tục tăng vốn rất lớn?

Quy mô nợ lớn, thiếu dòng tiền, kinh doanh ảm đạm nhiều năm liền… khiến Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) liên tục huy động vốn từ sàn chứng khoán. Liệu rằng “game” phát hành 101 triệu cổ phiếu tới đây của Đất Xanh có thành công?

Bất thường lịch sử tăng vốn nghìn tỷ

Do tình hình tài chính khó khăn, Tập đoàn Đất Xanh mới đây lại tiếp tục phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ cổ đông và nâng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 15/12/2023, Đất Xanh đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện chào bán 101,67 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 6:1. Giá chào bán là 12.000 đồng/CP, thấp hơn 38% so với thị giá cổ phiếu DXG hiện ở mức 19.400 đồng/CP.

Đất Xanh cho biết, số tiền thu về 1.220 tỷ đồng sẽ sử dụng như sau: góp vốn 1.118,5 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư kinh doanh Bất động sản Hà An, còn lại dùng để thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, duy trì hoạt động của Tập đoàn và dùng 60 tỷ đồng để trả lương cho người lao động năm 2024.

Tập đoàn Đất Xanh liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn “khủng” 

Trên thị trường, Đất Xanh gây ấn tượng với vai trò nhà môi giới bất động sản và chuyển sang đầu tư dự án. Cùng với đó là quá trình tăng vốn “khủng”, từ mức 0,8 tỷ đồng năm 2003, sau 15 đợt phát hành cổ phiếu đã nâng vốn lên 6.118 tỷ đồng vào cuối năm 2022.  

Trong vòng 5 năm gần đây, mỗi năm công ty đều phát hành thêm cổ phiếu với giá trị từ 300- 1.700 tỷ đồng. Có thể thấy, đợt phát hành 101,67 triệu cổ phiếu tới đây là đợt tăng vốn lớn nhất năm 2024.

Điểm chú ý là, cổ phiếu DXG thường có biến động bất thường với mức tăng 2-4 lần kèm thanh khoản đột biến khi Đất Xanh triển khai các đợt phát hành tăng vốn.

Trong giai đoạn 2014-2018, Tập đoàn Đất Xanh đã thực hiện 6 đợt phát hành cổ phiếu với tổng khối lượng 275 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.750 tỷ đồng.

Qua đó, tập đoàn đã tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên hơn 3.500 tỷ đồng vào cuối tháng 10/2018. Đây cũng là thời điểm thị trường chứng khoán bùng nổ, chỉ số VN-Index xác lập đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Khi đó, giá cổ phiếu DXG bất ngờ tăng liên tục, giao dịch sôi động với thanh khoản cao, lên đỉnh lịch sử 36.000 đồng/CP vào cuối năm 2018, cao gấp 4 lần so với hồi năm 2014. Nhờ đó, tập đoàn dễ dàng bán ra lượng lớn cổ phiếu, thu về hàng nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, kết quả kinh doanh của Đất Xanh năm 2018 lại không tương xứng với mức tăng trưởng “bằng lần” của cổ phiếu DXG. Khi đó, doanh thu thuần đạt 4.645 tỷ đồng, tăng trưởng 61% so với năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt 1.178 tỷ đồng, tăng 56,9%.

 Cổ phiếu DXG tăng “phi mã” khi Đất Xanh thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Nguồn: FPTS

Thực tế thất vọng với cổ phiếu DXG là sau khi tăng “nóng” đã bị bán ra ồ ạt với khối lượng lớn, giá giảm sâu “bốc hơi” 73% so với giá đỉnh trong vòng 2 năm diễn ra đợt tăng vốn khủng (giai đoạn tháng 6/2018 đến tháng 4/2020). Cùng với chu kỳ thị trường chứng khoán downtrend, khiến cho các nhà đầu tư chịu thua lỗ nặng.

Tiếp đó, năm 2019 khi thị trường chứng khoán tăng “nóng”, Đất Xanh lại tiếp tục phát hành cổ phiếu.

Kể từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2022, Tập đoàn đã thực hiện 4 đợt chào bán tổng cộng 261,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.618 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 6.118 tỷ đồng.

Đây là khoảng thời gian cổ phiếu DXG giảm sâu về 9.300 đồng/CP vào giữa năm 2019, sau đó chỉ trong vòng 2 tháng đã hồi phục tăng 60%. Tiếp đó, mã này lại quay đầu giảm xuống đáy 6.000 đồng/CP vào tháng 4/2020, cùng là lúc dịch covid-19 bùng phát ở Việt Nam.

Cùng với chu kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán suốt 2 năm đại dịch, cổ phiếu DXG đã có hành trình tăng “phi mã” hơn 544% lên đỉnh 44.700 đồng/CP. Giá cổ phiếu tăng trần liên tục, thanh khoản luôn duy trì ở mức cao 10-51 triệu cổ phiếu mỗi phiên, giúp cho các đợt phát hành 261,8 triệu cổ phiếu DXG thành công. Sau đó là chuỗi ngày bán tháo, giá giảm sâu khiến DXG bị mất tới 82% thị giá so với đỉnh, về giá “rau muống” quanh 7.700 đồng/CP.

Diễn biến bất thường của giá cổ phiếu DXG làm dấy lên nghi vấn cổ phiếu này bị “thao túng” kéo lên cao gấp 2-3 lần mức giá chào bán, nhằm tạo lợi thế cho các đợt tăng vốn của tập đoàn thành công.

Cùng trong giai đoạn này, Cơ quan công an đã điều tra, khởi tố nhiều vụ việc “thao túng chứng khoán” xảy ra tại các công ty lớn như FLC, FLC Faros, nhóm Louis Holdings (TGG-BII), nhóm APEC (APS-API-IDJ)… Đặc biệt là hành vi tăng vốn ảo của nhóm FLC Faros với hành trình phát hành cổ phiếu ồ ạt, kéo giá ROS gấp vài chục lần để lừa đảo huy động vốn từ nhà đầu tư trên sàn.

Quy mô nợ lớn, lợi nhuận èo uột

Có nhiều nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của doanh nhân Lương Trí Thìn, với cam kết tăng trưởng lợi nhuận cao, chia cổ tức 20%… Tập đoàn này từng công bố định hướng của Đất Xanh là “vươn ra khu vực Đông Nam Á và toàn cầu trong tương lai gần” và thâu tóm những dự án tiềm năng.

Trái ngược với viễn cảnh tươi sáng của kế hoạch phát hành cổ phiếu, Đất Xanh ghi nhận kết quả kinh doanh “trồi sụt”, có năm thua lỗ, có năm lãi. Công ty báo lãi 1.886 tỷ đồng trong năm 2019 và năm 2021 lãi 1.595 tỷ đồng, năm 2020 lỗ gần 496 tỷ đồng, năm 2021 lãi 1.595 tỷ đồng, năm 2022 chỉ lãi 149 tỷ đồng.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh đã bán ra 20 triệu cổ phiếu DXG ở đỉnh giá vào tháng 9/2023

Trong 9 tháng năm 2023, công ty ghi nhận tổng doanh thu 2.306 tỷ đồng giảm đến 49,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận ròng sụt giảm đến 82,9% so với năm trước, xuống mức 149,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do kinh doanh khó khăn, dự án đầu tư dở dang, thiếu vốn, nhất là hoạt động môi giới sụt giảm thu nhập lớn nhất.

Hơn nữa, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Đất Xanh liên tục âm kéo dài, cụ thể năm 2017 âm 1.054,1 tỷ đồng, năm 2018 âm 931,8 tỷ đồng, năm 2019 âm 1.645,8 tỷ đồng. Năm 2020 dòng tiền bị âm tới 780 tỷ đồng…

Do đó, công ty tiếp tục phải huy động dòng tiền từ hoạt động tài chính để bù đắp thâm hụt vốn kéo dài, chủ yếu là tăng vay nợ và phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông.

Đến hết tháng 9/2023, tổng tài sản của Đất Xanh tăng nhẹ lên 30.499 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn 27.656 tỷ đồng, chiếm 90,6% tổng tài sản, còn lại là tài sản dài hạn.

Quy mô nợ đã giảm nhẹ xuống 16.223 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn đạt 12.862 tỷ đồng và nợ dài hạn đạt 3.360 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 5.616 tỷ đồng, bao gồm 2.488 tỷ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, 3.1.28 tỷ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Trước áp lực thiếu hụt nguồn vốn lớn, ngày 9/1/2024, Đất Xanh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương vay vốn, bảo lãnh, thế chấp, cầm cố tài sản tại ngân hàng với tổng hạn mức là 4.700 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong bối cảnh nợ vay lớn và có xu hướng tăng, Đất Xanh buộc phải tăng vốn điều lệ để bù đắp thiếu hụt dòng tiền, đồng thời duy trì hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp, cũng như “làm đẹp” các chỉ tiêu tài chính, đáp ứng yêu cầu vay vốn ngân hàng.

Nhiều lãnh đạo “chốt lời” đúng đỉnh giá cổ phiếu DXG  
Năm 2023 vừa qua, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh đã bán ra 20 triệu cổ phiếu DXG từ ngày 11/9 đến 25/9/2023 với mục đích lấy tiền cho công ty vay vốn. Ước tính ông Thìn thu về hơn 400 tỷ đồng. Sau giao dịch, ông Thìn còn sở hữu 104,89 triệu cổ phiếu DXG, chiếm 17,15% vốn.Đây chính là thời điểm cổ phiếu DXG hồi phục tăng gấp 3 lần từ đáy chỉ trong 10 tháng, lên đỉnh 22.000 đồng/CP.Từ ngày 7/8 đến 5/9/2023, em trai ông Thìn là ông Lương Trí Tú cũng đã bán ra 3,68 triệu trong số 4,4 triệu cổ phiếu DXG đã đăng ký bán, thu về khoảng 77 tỷ đồng khi “chốt lời” đúng đỉnh.Còn ông Bùi Ngọc Đức – thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cũng bán ra 430.746 cổ phiếu từ ngày 7/9 đến 26/9/2023, thu về khoảng 9 tỷ đồng

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ