QC 1
Thứ 7, ngày 04/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Việt Nam trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam liên tục có kết quả xuất siêu, 10 tháng năm nay xuất siêu 24,6 tỷ Đô la.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, Việt Nam thực hiện hiệu quả, khai thác tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại, Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam liên tục có kết quả xuất siêu, 10 tháng năm nay xuất siêu 24,6 tỷ Đô la. Để có được kết quả như vậy, Chính phủ, Bộ Công thương các bộ ngành địa phương có liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng. 

Đến nay, bên cạnh việc tham gia thực thi nhiều hiệp định FTA với độ phổ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu; đồng thời tiếp tục nghiên cứu khả thi việc đàm phán ký kết các thỏa thuận thương mại ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng, các đối tác có kinh tế bổ sung, bổ trợ đối với nền kinh tế Việt Nam và những đối tác có tiềm lực về khoa học công nghệ để tiến tới đàm phán hiệp định trong thời gian tới.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó tập trung triển khai chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới, chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế đối với các nước, các đối tác lớn có tiềm năng, nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước.

Phát huy vai trò của các công vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thông tin kịp thời và những biến động của kinh thế giới, cũng như chính sách mới của các nước sở tại, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ logistic thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây, sản phẩm trồng trọt, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để các doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào những thị trường mới còn tiềm năng…

 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên 

Một số nội dung chất vấn đáng chú ý trong phiên sáng 7/11:

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. 

Trong đó, năm 2023 chưa ban hành 12 văn bản đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, giảm 18 văn bản so với năm 2020, tăng 4 văn bản so với năm 2021 và bằng so với năm 2022. Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó có sự chưa chủ động, chưa cố gắng và chưa lường hết được của các chủ thể trình ban hành các văn bản. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn

Cảm ơn các câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, trên thực tế đang tồn tại một số cơ quan quản lý nhà nước nhưng biên chế viên chức, thuộc các khối như quản vụ, kiểm lâm của các vườn quốc gia, thanh tra giao thông, chăn nuôi thú ý, kiểm dịch động vật. Đây là điều tồn tại từ trước khi hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. 

Tổng số viên chức này, đến thời điểm 31/12/2022 là 7191 người. Khi báo cáo với Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế, Bộ đã báo cáo thực trạng này như một sự tồn tại của lịch sử, cần chuyển vị trí viên chức thành công chức để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho các đối tượng này. 

Sau Kỳ họp thứ 4, Bộ đã báo cáo với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, hiện nay, Ban Chỉ đạo trung ương đang xem xét điều chuyển số viên chức này, đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước để trả lại thành công chức, thực hiện đúng chính sách cho các đối tượng này.

Tới đây, Bộ cũng sẽ đề nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế giải quyết nhanh để đảm bảo được việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. 

Về việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương nói riêng, cho quản lý, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, xác định chức nghiệp công vụ nói chung, Bộ trưởng cho biết đây là nhiệm vụ rất quan trọng. 

Trước hết, để cải cách tiền lương, thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành xong được danh mục vị trí việc làm. 

Về mặt cơ bản, từ năm 2016 đến nay, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo được một cách đầy đủ, khoa học, căn cơ. 

Thực hiện Nghị định số 62, Nghị định 106 của Chính phủ, các cơ quan đang sắp hoàn thiện toàn bộ các nội dung, qua đó đảm bảo triển khai đồng bộ, toàn diện trong hệ thống hành chính nhà nước, tuy nhiên, đối với các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, thì cần có sự chỉ đạo thống nhất để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. 

Đối với Quốc hội, Ban Công tác Đại biểu sẽ triển khai công tác này, đảm bảo việc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm có thể đáp ứng được tinh thần triển khai chính sách cải cách tiền lương.

Theo Ninh Vũ/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/viet-nam-trong-top-20-nuoc-co-quy-mo-thuong-mai-lon-nhat-the-gioi-491315.html