QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

VN-Index đi ngang, khối ngoại mua ròng lớn nhất tại HOSE kể từ đầu năm 2023

Sự giằng co giữa phe mua và phe bán được ghi nhận xuyên suốt phiên giao dịch khiến VN-Index không có nhiều thay đổi về mặt chỉ số. Thanh khoản trên sàn HOSE và HNX gia tăng với 12.033,71 tỉ đồng, trên mức trung bình hai tháng 01, 02/2023, tương ứng với 660 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Kết phiên giao dịch ngày 13/3, VN-INDEX ở mức 1.052,80 điểm, giảm nhẹ 0,20 điểm (-0,02%) với khối lượng giao dịch gia tăng trên mức trung bình. VN30 tăng 2,87 điểm (+0,27%) lên 1.050,07 điểm, HNX-INDEX giảm 2,01 điểm (-0,97%) về mức 205,85 điểm, UPCoM giảm 0,43 điểm (-0,55%) xuống 76,36 điểm.

Độ rộng thị trường tiêu cực với VN-INDEX có 288 mã giảm điểm (6 mã giảm sàn), 114 mã tăng điểm (04 mã tăng trần). Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 1.743,55 tỷ đồng, bán ra 899,18 tỷ đồng, tiếp tục gia tăng giá trị mua ròng, tương ứng mua ròng 844,37 tỉ đồng. Duy trì mua ròng trở lại với giá trị mua ròng 21,46 tỷ đồng trên HNX.

Thanh khoản toản thị trường có phần được cải thiện nhưng áp lực bán chủ động vẫn đang chiếm xấp xỉ 60% cho thấy sự thận trọng vẫn đang được đề cao. Hụt hơi tại vùng kháng cự 1050, VN-Index xuất hiện áp lực bán ngay từ đầu phiên khiến chỉ số chung chìm trong sắc đỏ với hơn 250 mã giảm điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và dầu khí ghi nhận áp lực bán mạnh nhất với mức giảm gần 2%. Ở chiều ngược lại, chỉ có số ít các cổ phiếu vốn hóa lớn như VPB và VHM giữ được sắc xanh và giúp chỉ số chung phần nào hạn chế được đà giảm. Sự rung lắc, giằng co tiếp tục được thể hiện trong phiên chiều khi VN-Index liên tục dao động trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu.

img-7855-16370667225491813409924
VN-Index không có nhiều thay đổi về mặt chỉ số trong phiên giao dịch hôm qua. Ảnh minh họa.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), điểm nhấn trong phiên đầu tuần đến từ thông tin tiêu cực khi ngân hàng SVB (Mỹ) sụp đổ, là nguyên nhân khiến thị trường chịu áp lực giảm điểm từ đầu phiên. Tuy nhiên với thông tin tích cực từ nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững… cũng như Chính phủ vừa quyết định giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Nhóm cổ phiếu bất động sản đã phục hồi như VHM (+4,43%), HQC (+6,8%), NVL (+3,29%)… đồng thời thông tin tích cực Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã nhận được sự chấp thuận cần thiết để tiến hành huy động vốn từ ngày 15/03/2023 cũng giúp thị trường dần phục hồi trở lại và VN30 tăng điểm vào cuối phiên.

Đa số các nhóm ngành đều giảm điểm và phân hóa mạnh trong VN30. Chỉ số phục hồi tốt nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có những tin tức hỗ trợ và được nhà đầu tư giải ngân lớn như VPB (+6,0%) với thông tin đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui, VHM (+4,4%), VRE (+3,9%), NVL (+3,3%), POW (+1,5%)… trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng khác diễn biến kém tích cực như STB (-3,8%),BID (-1,9%), ACB (-1,6%)…

Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, xây dựng được kỳ vọng từ đầu tư công tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh ở các vùng kháng cự mạnh, cũng như thông tin giải ngân đầu tư công 02 tháng đầu năm chưa cao như LCG (-3,57%), KSB (-2,78%), FCN (-2,64%), BCC (-2,53%)…

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2303 sắp đến thời điểm đáo hạn ngày 16/03/2023, giảm -1,8 điểm (-0,17%). Chênh lệch âm -2,07 điểm so với VN30. Các kỳ hạn dài hơn gia tăng mức chênh lệch âm lên -4,07 điểm đến -11,97 điểm cho thấy vẫn chưa có kỳ vọng về sự đảo chiều tích cực của chỉ số VN30 trong tương lai, mặc dù mức chênh lệch giữa các kỳ hạn dài VN30F2306, VN30F2309 dần thu hẹp.

Các chuyên gia của VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư nên giao dịch ngắn hạn và cần bám sát diễn biến giao dịch trên thị trường để kịp thời chốt lời nhằm bảo vệ thành quả nếu áp lực giảm giá gia tăng mạnh mẽ hơn trong những phiên tới.

Với sự trợ lực của dòng vốn ngoại và cấu trúc chuyển động giá của thị trường hiện tại đang khá tốt, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục “trơ” với các thông tin tiêu cực và có diễn biến tích cực hơn trong ngắn hạn, đặc biệt sau thời điểm cuộc họp của Fed diễn ra.

Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục tổng ở mức hợp lý, tránh sử dụng margin hoặc đẩy tỷ trọng cổ phiếu lên quá cao. Đối với các hoạt động trading, nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế mua trong các phiên thị trường rung lắc, kiểm định lại các vùng hỗ trợ 1040 – 1045 điểm và 1028 – 1033 điểm.

Theo Nguyễn Luận/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/vn-index-di-ngang-khoi-ngoai-mua-rong-lon-nhat-tai-hose-ke-tu-dau-nam-2023-425409198-p44737.html