QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

World Bank: Đông Á – Thái Bình Dương có đà phục hồi tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu căng thẳng

 Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) cho biết, các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương nhìn chung có khả năng phục hồi tốt hơn so với các khu vực khác và sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay so với năm 2022, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi những hệ quả sau đại dịch và chiến sự tại Ukraine.

World Bank công bố báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế cho khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.

Theo bản cập nhật triển vọng kinh tế cho các khu vực được công bố hôm nay (31/3), WB dự báo các nền kinh tế của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 5,1% trong năm nay, tăng 1,6% từ mức 3,5% ghi nhận vào năm 2022. Mức tăng trưởng 5,1% cũng lớn hơn so với ước tính 4,6% mà WB từng đưa ra trong bản cập nhật hồi tháng 10/2022. 

Theo đó, tăng trưởng toàn khu vực được nâng lên do WB nâng mức dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 từ mức 4,6% lên 5,1% trong bản dự báo mới nhất.

Dự báo tăng trưởng mới được đưa ra trong bối cảnh sản lượng toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm nhẹ trong năm nay so với năm 2022; giá cả hàng hóa ở mức vừa phải; và các điều kiện tài chính vẫn thắt chặt do lạm phát ở Mỹ vẫn còn cao. 

Báo cáo đánh giá: “Thiệt hại do đại dịch, chiến sự và việc thắt chặt tài chính gây ra đối với người dân, doanh nghiệp và chính phủ có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng và gia tăng bất bình đẳng”. 

Báo cáo của World Bank cũng chỉ ra rằng ngành ngân hàng của khu vực cần duy trì khả năng phục hồi khá tốt trước những căng thẳng toàn cầu, với các lĩnh vực tài chính được đánh giá là có vốn hóa tốt, ngoại trừ Việt Nam. 

Nhìn chung, WB lẫn các nhà đầu tư đều duy trì quan điểm tương đối lạc quan về triển vọng ngắn hạn của khu vực.

Yuting Shao, chiến lược gia vĩ mô tại State Street Bank & Trust Company có trụ sở tại Hong Kong, một trong số những nhà đầu tư đang tích cực mua cổ phiếu của các quốc gia châu Á mới nổi (EM) do kỳ vọng vào sự tích cực của thị trường Trung Quốc.

Bà Shao cho biết: “Thị trường châu Á tương đối tách biệt với tâm lý rủi ro tiêu cực nói chung đối với các thị trường mới nổi. Chúng tôi vẫn đang chứng kiến ​​dòng chảy tương đối ổn định vào khu vực EM châu Á”.

Về thách thức, báo cáo của WB cho biết các bối cảnh kinh tế sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn với khu vực. Các quan chức Đông Á – Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với “những thách thức lớn về phi toàn cầu hóa, lão hóa và biến đổi khí hậu – những vấn đề mà khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi vì khu vực này đã phát triển mạnh thông qua thương mại, đang già đi nhanh chóng, đồng thời vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của biến đổi khí hậu”, báo cáo cho biết 

Vấn đề đặc biệt cấp bách là những thách thức về nhân khẩu học đã hạn chế sức mạnh trên thị trường lao động. Khu vực này là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, bao gồm cả ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan.

Theo Linh Anh/Vietnam Finance/Bloomberg

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/world-bank-dong-a-thai-binh-duong-co-da-phuc-hoi-tot-trong-boi-canh-kinh-te-toan-cau-cang-thang-20180504224282577.htm