QC 1
Thứ 7, ngày 18/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xoay quanh câu chuyện đánh thuế bất động sản…

Tại buổi hội thảo khoa học “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam” vừa kết thúc cách đây không lâu, vấn đề đánh thuế bất động sản lại một lần nữa được bàn tới với nhiều quan điểm khác nhau.

Ước tính, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng (giảm 0,9%), chi tiêu thực tế (giảm 0,7%) của mỗi hộ gia đình.

PGS.TS Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính cho biết đánh thuế bất động sản là vấn đề tương đối phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các nước phát triển thường áp dụng chính sách này hiệu quả hơn. Ngược lại, một số nước đang phát triển lại chưa đạt được nhiều hiệu quả trong việc áp dụng phương pháp này. Cụ thể, đóng góp trung bình của thuế bất động sản vào GDP các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào những năm 2000 là 2,12% GDP, tại các nước đang phát triển là 0,6%, tại các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%.

Ngược lại, đóng góp vào ngân sách của thuế bất động sản không đáng kể trên phương diện quốc gia tại các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, chỉ bằng ¼ các nước OECD.

Theo ông Cường, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản thường là nguồn thu ngân sách quan trọng ở cấp địa phương. Ví dụ, thuế bất động sản chiếm 80% thu ngân sách địa phương tại Thái Lan, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan. Xét trên tổng chi ngân sách của địa phương, vai trò của thuế bất động sản cũng rất khác biệt. Cụ thể chiếm 50% nguồn cho chi tiêu địa phương ở Úc, ¼ tại Pháp, Tây Ban Nha.

Riêng tại Việt Nam, ông Cường cho biết, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,3 – 0,6% GDP mỗi năm, thua xa các nước. Vai trò với loại thuế này đối với ngân sách địa phương cũng rất khiếm tốn, chỉ từ 5 – 7% ngân sách địa phương, nhiều nơi thậm chí chỉ 2%.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), quan trọng là tính minh bạch trong việc sử dụng thuế này ra sao.

Ông Thành cho rằng, một vấn đề mấu chốt để áp dụng đánh thuế tài sản tại Việt Nam hiện nay là phải trả lời được câu hỏi: Đánh thuế tài sản để làm gì? Người dân được hưởng dịch vụ gì về chính sách thuế đó? Đồng thời chúng ta phải có tên gọi cụ thể với loại thuế này, mỗi loại nên có sắc thuế riêng.

Góp ý thêm cho dự thảo của Bộ Tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nên thu thuế đất ở chứ không nên đánh thuế nhà ở. Ông Nghĩa lấy ví dụ, với những người mua chung cư Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội thì người ta đã phải đóng tiền thuế đất rồi. Nếu thu thuế nhà ở đối với những trường hợp này thì họ sẽ phải đóng thuế chồng thuế, như thế là không công bằng, không tạo sự đồng thuận trong xã hội. “Chúng ta đánh thuế vào tài sản nào thì nên gọi thuế tài sản đó. Không nên nói chung như vậy”, ông Nghĩa nói.

Dự báo ảnh hưởng của thuế tài sản, ông Cường đưa ra ba kịch bản. Đối với ngưỡng 700 triệu đồng, mức thuế mỗi hộ gia đình phải nộp từ 978.000 đồng – 1,3 triệu đồng. Mức chi tiêu sẽ giảm tương đương từ 638.000 – 851.000 đồng/tháng. Với ngưỡng 1 tỷ đồng, mức thuế mỗi hộ gia đình phải đóng giảm đi còn khoảng 897.000 đồng – 1,198 triệu đồng.

Theo ông Cường, phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ hơn đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao.

Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra đề nghị xây dựng Luật thuế tài sản, đánh thuế đối với đất ở và nhà. Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Có nghĩa là phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng (0,3-0,4% của 100 triệu đồng). Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.

Theo Quân Vương/Thời báo Chứng Khoán