QC 1
Thứ 2, ngày 17/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất hiện siêu cổ tức tiền mặt tỷ lệ lên tới 200%, cao gấp 5 lần thị giá cổ phiếu

Kể từ khi bắt đầu giao dịch từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp này luôn chi trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn cho cổ đông từ 30-65% mỗi năm.

Công ty CP Cơ khí Phổ Yên (Fomeco, UPCoM: FBC) vừa công bố tài liệu cổ đông thường niên 2024 với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, Fomeco sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chi trả cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 200%, tương đương 20.000 đồng/cp. Nếu được thông qua, công ty dự chi khoảng 74 tỷ đồng để thực hiện thanh toán cổ tức, tương ứng 67,5% lợi nhuận sau thuế lũy kế tính đến cuối năm 2023.

Trong khoảng hai năm qua, giá cổ phiếu FBC đứng im ở mức 3.700 đồng/cp. Như vậy, mức cổ tức 2023 cao hơn 5 lần so với giá cổ phiếu FBC trên thị trường. Ảnh minh họa

Kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2023 là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Từ khi lên sàn vào 2017, công ty luôn duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt cao và đều đặn, 30-65% mỗi năm. Năm 2022, Cơ khí Phổ Yêntừng tăng tỷ lệ lên 120%.

Về cơ cấu, hiện cổ đông lớn nhất của Fomeco là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến nhận về số tiền gần 38 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức trên.

Trên thị trường chứng khoán, do cơ cấu cổ đông cô đặc, mã FBC gần như không xuất hiện giao dịch trên sàn UPCoM. Trong khoảng hai năm qua, giá cổ phiếu FBC đứng im ở mức 3.700 đồng/cp. Như vậy, mức cổ tức 2023 cao hơn 5 lần so với giá cổ phiếu FBC.

Chính sách cổ tức hậu hĩnh cho cổ đông được đưa ra sau khi Cơ khí Phổ Yên vừa báo lãi lớn trong năm 2023. Mặc dù doanh thu đạt 1.049 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, song lợi nhuận lại tăng 10% lên gần 73 tỷ đồng, đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Cũng trong tờ trình ĐHĐCĐ, công ty này dự định dành ra gần 35 tỷ để trích cho quỹ khen thưởng, phúc lợi, tức gần bằng một nửa tiền lãi cả năm của doanh nghiệp trong năm 2023. Số còn lại sẽ được phân bổ vào quỹ khen thưởng ban điều hành. Việc chi gần 1/2 lợi nhuận cho quỹ phúc lợi là một tỷ lệ cao đối với mặt bằng chung, nhưng đây không phải là lần đầu tiên Fomeco thực hiện chính sách này. Năm 2021 và năm 2022, công ty cũng trích gần gần một nửa tiền lãi cho quỹ này.

Đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2024, Fomeco dự kiến doanh thu đạt 1.036 tỷ đồng, trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 925 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng dự kiến đạt 60,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận dự kiến giảm 1% và 17% so với mức thực hiện trong năm 2023.

Cơ khí Phổ Yên được thành lập từ năm 1974 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng và chính thức chuyển đổi thành CTCP từ năm 2003. Các sản phẩm chính Fomeco đang bán ra thị trường bao gồm các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, con lăn băng tải, phụ tùng cho ngành xây dựng và các sản phẩm cơ khí khác.

Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM từ tháng 10/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu. Cơ điện Phổ Yên hiện có vốn điều lệ 37 tỷ đồng, trong đó VEAM nắm giữ 51% vốn.

VEAM là đối tác Việt Nam tham gia góp vốn và thành lập các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM nắm 20%), Honda Việt Nam (VEAM nắm 30%), Ford Việt Nam (25%, thông qua công ty con là VEAM DISOCO), Mekong Auto, Kumba và VEAM Korea. Điều này tạo lợi thế cho các công ty trực thuộc VEAM, trong đó có FBC. Trong nhiều năm qua, FBC cũng là đối tác chuyên cung cấp phụ tùng cho Honda Việt Nam và các khách hàng lớn khác như Yamaha, Suzuki, Hanwa, Nippo, Piaggio, Panasonic, …

Theo Đức Anh/ Kinh Tế Chứng Khoán