QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất khẩu gạo ST24 tăng hơn 500% bất chấp đại dịch

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) tính đến hết tháng 4, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực với lượng gạo thơm xuất khẩu đạt hơn 682 nghìn tấn, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường tiêu thụ chính là Gana (26%), Philippines (24%), Bờ Biển Ngà (17,5%)…

Đặc biệt, xuất khẩu gạo thơm ST24 và ST25 ghi nhận đà tăng trưởng đột phá trong 4 tháng đầu năm. Xuất khẩu gạo ST24 đạt gần 13 nghìn tấn, tăng 513% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 11 nghìn tấn (87%) được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu gạo ST25 cũng tăng rất mạnh lên mức 2,3 nghìn tấn trong 4 tháng đầu so với chỉ 5 tấn của cùng kỳ năm ngoái và đồng thời tăng gấp đôi so với con số 1,2 nghìn tấn của cả năm 2020.

Trong đó, 98% lượng gạo ST25 (hơn 2,2 nghìn tấn) đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Ảnh minh họa

Việc gạo Việt Nam liên tục có mặt trong top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới những năm gần đây (gạo ST25 của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và giải nhì năm 2020) đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu gạo tại Mỹ.

Tuy nhiên, để cạnh tranh với các loại gạo thơm của Thái Lan và Ấn Độ tại Mỹ, bên cạnh đảm bảo chất lượng và sản lượng, việc xây dựng một thương hiệu mạnh ngay từ đầu cũng là vấn đề quan trọng.

Trong 4 tháng đầu, lượng gạo nếp xuất khẩu cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức gần 385 nghìn tấn với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

Ngược lại, lượng gạo trắng xuất khẩu giảm mạnh xuống còn gần 856 nghìn tấn, giảm 22% so với 4 tháng năm 2020. Trong đó, Philippines chiếm 61,5% thị phần trên tổng khối lượng gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam, Cuba chiếm gần 11%, Malaysia chiếm gần 6%…

Tương tự, gạo trắng, lượng xuất khẩu gạo giống Nhật và nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo Huyết Rồng… giảm 58,5% và gần 66% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo VITIC, xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá xuất khẩu trung bình gạo đạt 543 USD/tấn, tăng gần 12%.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu đạt gần 2,6 triệu tấn, tương đương với lượng gạo xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch đạt 1,49 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau khi giảm trong quý đầu tiên của năm, xuất khẩu gạo đã tăng trở lại từ đầu quý II nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ Đông Xuân và nhu cầu tăng tại các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Ghana, Bangladesh…

Bảo vệ thương hiệu ST25 bằng cách nào?

Quay lại câu chuyện, ST25 ở Mỹ bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ, bản quyền. Về Luật sở hữu trí tuệ và Luật đăng ký bảo hộ bản quyền ở Mỹ, trong lãnh thổ của Mỹ, khi một sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ, thì bất kỳ ai, doanh nghiệp nào đều có quyền nộp hồ sơ xin đăng ký.

Tuy nhiên, việc có được cấp chứng nhận bảo hộ hay không thì cơ quan chức năng của Mỹ sẽ phải xem xét, rà soát xem có đơn thư khiếu nại từ trong và ngoài nước.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cho biết: “Khi thương hiệu ST25 chưa rơi vào tay doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam và Công ty Hồ Quang Trí cần liên hệ và nộp đơn khiếu nại sớm nhất với các cơ quan cấp cấp bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ tại Mỹ.

Chúng ta phải chiến đấu để giành lại bản quyền của ST25 ở thị trường Mỹ”.

Khi sự việc xảy ra, dư luận chê trách doanh nghiệp sở hữu ST25 chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Song, thực tế Công ty Hồ Quang Trí chưa xuất khẩu sản phẩm gạo, mà chủ yếu chỉ bán giống lúa. Sản phẩm gạo ST25 do họ sản xuất sản lượng cũng rất ít và chỉ bán trong nước.

Trong khi, việc đăng ký thương hiệu, bản quyền ở các quốc gia xuất khẩu lớn tốn khá nhiều chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để bảo vệ nhãn quyền hàng hóa của mình.

“Thông tin tôi được biết thì Công ty Hồ Quang Trí đã liên kết với đơn vị tư vấn và luật sư nhằm đăng ký thương hiệu tại một số quốc gia xuất khẩu và khiếu nại các doanh nghiệp sử dụng logo ST25 với các cơ quan chức năng của Mỹ”.

Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước chỉ có vai trò quản lý, chứ không thể làm thay việc của doanh nghiệp.

Liên quan đến việc “cha đẻ” gạo Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019, ông Hồ Quang Cua muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước, ông Định cho biết: “Vấn đề này chưa từng có tiền lệ.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhóm tác giả bán hoặc hiến tặng bản quyền cho Nhà nước thì Nhà nước sẽ đứng ra đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các nước trên thế giới và cho tất cả doanh nghiệp, nông dân Việt Nam được tự do sản xuất và thương mại giống lúa, sản phẩm gạo từ giống lúa này”, ông Định nói.

Theo Thanh Hằng/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-gao-st24-tang-hon-500-bat-chap-dai-dich-96129.html