QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh

Trong quý I/2024, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao cả về lượng và giá trị. Các chuyên gia, dự báo sự thiếu hụt nguồn cung gạo thế giới kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao trong năm 2024.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1/2024 xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, thu về gần 1,43 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với kim ngạch đạt trên 1 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 641,7 USD/tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2, tăng mạnh gần 200% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% với 445.326 tấn, tương ứng 285,06 triệu USD, giá xuất khẩu đạt 640 USD/tấn. Đứng thứ 3 là thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch đạt 98.917 tấn, tương ứng 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn.

Cũng trong quý 1/2024, Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore trong quý 1 cũng đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu trong tháng 3/2024 và nửa đầu tháng 4/2024 đã giảm so với giá gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm. Dù đã hạ nhiệt đáng kể so với mức xuất khẩu bình quân kỷ lục trong tháng 2/2024 ở mức 673 USD/tấn, nhưng so với cùng kỳ năm 2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn gần 120 USD/tấn.

Lý giải việc giá gạo xuất khẩu giảm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, giá gạo Việt Nam hạ nhiệt trong giai đoạn theo đúng quy luật tự nhiên do các nước sản xuất đều bước vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu không còn quá cao như thời gian trước. Thời điểm tháng 3, Việt Nam trong đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo bổ sung ra thị trường dồi dào, đương nhiên sẽ kéo giá trong nước và xuất khẩu giảm. Bước sang tháng 4, chỉ còn lượng lúa gạo trữ tại các kho nhưng lượng không dồi dào.

Nhận định về thị trường gạo quý 2/2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam đánh giá, giá gạo thế giới vào gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nguồn cung gạo trên thế giới vẫn thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024.

Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái; Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới cũng cho biết sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Mặt khác, các xung đột chính trị tại Trung Đông cũng đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn, với việc chi phí logistics, thời gian vận tải bị đội lên đáng kể.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 được dự đoán có nhiều triển vọng trong bối cảnh nguồn cung thế giới tiếp tục bị hạn chế và tổng cầu lại có xu hướng tăng. Giới chuyên gia dự đoán, trong năm 2024, các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn về chính sách và giá nội địa tăng cao, cản trở việc bình thường hóa hoạt động xuất khẩu gạo từ nước này.

Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch dành hàng chục tỷ USD cho các chương trình trợ cấp về lương thực và phân bón trong năm tài chính 2024/2025, khiến cơ hội nới lỏng các lệnh xuất khẩu gạo trong tương lai gần của nước này ngày càng thu hẹp lại. Bên cạnh đó, El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết cực đoan này với các khu vực trồng lúa chính chưa thể ước lượng có thể ảnh hưởng đến sản lượng chung của thế giới. Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, nhu cầu lại gia tăng do một số quốc gia tăng cường dự trữ gạo, dự kiến, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo trong năm 2024.

Theo báo cáo “Triển vọng hàng hóa toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu khó có thể giảm trước năm 2025. Còn theo dự đoán của BMI – một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions – mối lo ngại về nguồn cung có thể giảm bớt vào năm 2025. Khi hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng nhiệt độ và giảm lượng mưa – chuyển sang La Nina, với lượng mưa cao hơn bình thường.

Thực tế thì xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, cuộc cạnh tranh thị phần giữa các nước xuất khẩu dự kiến sẽ gia tăng và tiếp tục gây áp lực lên giá gạo trên thị trường quốc tế. Trong khi Thái Lan và Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các hợp đồng mới, thì Pakistan dự báo sẽ có vụ mùa bội thu trong năm nay. Mặc khác, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (diễn biến tại Biển Đỏ ảnh hưởng tới các tuyến vận tải biển, căng thẳng Iran – Israel)… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Anh Vũ/ Kinh Tế Chứng Khoán