QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 36% trong nửa đầu năm 2021

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Mỹ là thị trường nhập khẩu đơn lẻ tôm lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng

Tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh tốt hơn khi Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ) gặp nhiều rào cản do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 440 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.

Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng hàng đầu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. 89% giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm qua là sản phẩm tôm chân trắng.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ vẫn tăng trong đại dịch. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao phục vụ bán hàng mang đi và giao hàng tận nơi. Nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ dần phục hồi do tốc độ tiêm vắc xin nhanh chóng ở nước này.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 36% trong nửa đầu năm 2021 (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 5 tháng đầu năm nay, top 8 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ lần lượt gồm Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Argentina, Trung Quốc.

5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 328 nghìn tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 27% về khối lượng và 26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 5 nguồn cung tôm chính cho Mỹ, nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Mỹ đạt tăng trưởng cao nhất, tiếp đó là Việt Nam. Tôm Việt Nam ngày càng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam tốt hơn so với Ấn Đô và Indonesia.

Ngành tôm Ấn Độ hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid, dịch bệnh trên tôm, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm. Ngành tôm Ecuador năm 2020 cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá tôm liên tục giảm, vận chuyển, logistics, thị trường bị gián đoạn do dịch COVID-19.

Thái Lan ngày càng giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. nhập khẩu tôm của Mỹ từ Trung Quốc tiếp tục giảm do căng thẳng chiến tranh thương mại giữa hai nước chưa chấm dứt.

Tôm thịt nguyên liệu đông lạnh và tôm thịt chế biến đông lạnh là 2 sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất, lần lượt chiếm 43% và 19% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm nay do sức cạnh tranh và lợi thế về ổn định sản xuất trong đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, có thể mức tăng trưởng này sẽ bị ảnh hưởng nếu các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam bị chậm trễ trong việc tiêm vắc xin cho công nhân.

Dự báo xuất khẩu tôm sẽ bứt tốc vào cuối năm?

Mới đây, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7, dự kiến tốc độ tăng trưởng hiện tại sẽ giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp và biến chủng Delta phát triển trên thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm nay, trừ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, Mỹ, EU đều tăng 2 con số từ 14% đến 36%.

Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm tăng trưởng kinh tế cộng với ảnh hưởng của COVID-19 nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng nhẹ 3% đến 4%.

Đáng chú ý, 2 thị trường Australia và Nga, mặc dù không phải là những thị trường nhập khẩu lớn nhưng lại ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng 80% đến 90%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm chính duy nhất của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm 20%.

VASEP cho hay hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang là mối lo của tất cả các nhà máy chế biến, xuất khẩu ở ĐBSCL. Mặc dù đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó rất kỹ càng nhưng cũng không tránh khỏi hoang mang.

Theo Hạ Vy/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-tom-sang-my-tang-36-trong-nua-dau-nam-2021-99693.html