QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất khẩu tôm sẽ bứt tốc vào cuối năm 2021?

Mới đây, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7, dự kiến tốc độ tăng trưởng hiện tại sẽ giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp và biến chủng Delta phát triển trên thế giới.

Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các thị trường chính, trừ Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cho đến nay.

Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm nay, trừ thị trường Trung Quốc, XK tôm Việt Nam sang các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, Mỹ, EU đều tăng 2 con số từ 14% đến 36%.

Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm tăng trưởng kinh tế cộng với ảnh hưởng của COVID-19 nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng nhẹ 3% đến 4%.

Đáng chú ý, 2 thị trường Australia và Nga, mặc dù không phải là những thị trường nhập khẩu lớn nhưng lại ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng 80% đến 90%. Trung Quốc là thị trường NK tôm chính duy nhất của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm 20%.

VASEP cho hay hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang là mối lo của tất cả các nhà máy chế biến, XK ở ĐBSCL. Mặc dù đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó rất kỹ càng nhưng cũng không tránh khỏi hoang mang.

Trong khi đó từ khâu nuôi trồng đến chế biến và XK đều đang phải gấp rút chạy cho kịp các đơn hàng. Doanh nghiệp chế biến tôm mong mỏi và trông chờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để được sớm nhất tiếp cận nguồn vaccine cho người lao động.

Nếu chỉ cần một khâu bị đứt gãy thì thiệt hại sẽ kéo theo chuỗi giá trị từ doanh nghiệp – người nông dân – công nhân đều bị sụp đổ.

Trước đó, xuất khẩu tôm năm 2021 dự báo tăng 12%. Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD.

Tổng cục Thủy sản dự báo xuất khẩu tôm nửa cuối năm sẽ tăng trưởng tốt ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, mục tiêu xuất khẩu đạt từ 3,8 – 4 tỷ USD.

Hiện nay, ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm khi phát triển nóng, dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó thời tiết khí hậu bất thường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh, diễn biến dịch bệnh COVID-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường đang tạo ra những bất lợi cho ngành tôm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Với kịch bản lạc quan, dịch COVID-19 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được kiểm soát trong vòng 2 tháng nữa, xuất khẩu tôm năm 2021có thể đạt 4,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, chiếm hơn 40% giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

Tuy nhiên, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất khẩu chỉ đạt dưới 4,1 tỷ USD và tăng trưởng 9%”.

Ông Nam phân tích chỉ sau 2 tuần tháng 7, mọi diễn biến ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng như hai thái cực.

Trước tháng 6, các doanh nghiệp tại các vùng sản xuất, chế biến tôm chính của Việt Nam gần như chưa bị tác động nhiều dịch COVID-19. Tuy nhiên, biến thể mới của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ĐBSCL chững lại.

Các doanh nghiệp đang rất lo lắng về tác động của dịch và mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, ngư dân.

Chuyên gia VASEP nhận định trong nửa cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt 198 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm sang Mỹ có nhiều cơ hội tăng trưởng khi nước này đã phủ sóng vắc xin, hoạt động kinh tế phục hồi.

“Lợi thế của Việt Nam là các đối thủ Ấn Độ, Trung Quốc bị tác động COVID-19 khiến xuất khẩu tôm giảm. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tranh thủ tăng thị phần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Thái Lan, Ecuador cũng nỗ lực cạnh tranh, giành thị phần xuất khẩu tôm sang Mỹ”, ông Nam cho biết.

Dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tác động nguồn cung ứng, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và những thị trường chính sẽ quy định cán cân xuất khẩu.

6 tháng đầu năm xuất khẩu tôm tăng trưởng 13% nhưng xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc giảm 20% do nước này tăng cường các biện pháp kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu đặc biệt là thủy sản đông lạnh. Hiện, chưa biết khi nào thị trường này sẽ dừng kiểm dịch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNNT Phùng Đức Tiến cho biết riêng ngành tôm, Chính phủ giao chỉ tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Mục tiêu năm 2021, xuất khẩu tôm đạt hơn 4 tỷ USD.

“Lĩnh vực thủy sản cần giải quyết các bất cập của ngành tôm về quy mô, sản lượng và giá thành.

Thống nhất hành động trong 3 trục Chính phủ, doanh nghiệp, người dân xây dựng ngành tôm thành một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo Linh Linh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/xuat-khau-tom-se-but-toc-vao-cuoi-nam-2021-98947.html