QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Áp lực bán gia tăng, VN-Index có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp

Thị trường vừa có một tuần giao dịch trầm lắng với điểm số lùi nhẹ và thanh khoản sụt giảm mạnh. Thanh khoản ở mức thấp trong các phiên phục hồi nhưng lại tăng trong các phiên giảm điểm cho thấy áp lực bán giá thấp gia tăng.

Tuần vừa qua, VN-Index có 2 phiên giao dịch đầu tuần phục hồi ở vùng 1.050 điểm trước khi có 2 phiên giảm điểm khá mạnh và kết tuần giảm 9,99 điểm (-0,95%) về mức 1.042,91 điểm.

Áp lực điều chỉnh đến chủ yếu đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, trong khi đó phân hóa mạnh ở các nhóm còn lại với nhiều mã, nhiều nhóm ngành vẫn có diễn biến khá tích cực.

Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 43.634,33 tỉ đồng, giảm mạnh 31,9% tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 34,24% so với tuần trước. Thanh khoản HNX giảm 32,3% với 5.523,74 tỉ đồng được giao dịch.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tuần thứ tư liên tiếp với giá trị bán ròng 138,03 tỉ đồng, giá trị bán giảm so với tuần trước. Mua ròng trên HNX với giá trị 8,72 tỷ đồng.

chung-khoan-hom-nay-2
VN-Index có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Ảnh minh họa

Thông tin Chính phủ đồng ý trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế 10% là động lực để nhóm cổ phiếu bán lẻ tiếp tục phục hồi tăng giá tích cực trong tuần như PET (+7,73%), DGW (+5,03%), FRT (+0,92%)…

Bên cạnh đó, thị trường bắt đầu phân hóa mạnh theo các thông tin về tình hình kinh doanh Quí I/2023, kết hoạch kinh doanh 2023 với nhiều mã tăng giá tốt khi kết quả kinh doanh cải thiện như BMP (+18,59%), SKG (+16,99%), AGR (+23,16%), NDN (+20,55%), CTD (+19,96%)…

Theo số liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu nông nghiệp, mía đường cũng có tuần giao dịch tăng điểm tích cực khi giá đường phục hồi ở mức cao như KTS (+46,45%), LSS (+19,08%), SBT (+8,28%), SLS (+6,44%)… Các cổ phiếu nhóm thủy sản cũng có diễn biến tẳng giá tích cực với SEA (+16,67%), VHC (+6,98%), ANV (+4,04%), trong khi một số mã giảm điểm như CMX (-5,44%), IDI (-2,13%)..

Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhân tố chỉnh ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index với nhiều mã chịu áp lực bán mạnh với thanh khoản gia tăng như LBP (-7,77%), SHB (-6,33%), VPB (-5,12%), HDB (-3,59%), PGB (-3,58%)…

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2304 đã đáo hạn trong phiên 20/04/2023 và thị trường chuyển sang giao dịch trên kỳ hạn chính VN30F2305. VN30F2305 kết tuần ở mức 1.040 điểm giảm -2,17% so với tuần trước, mức chênh lệch 6,18 điểm so với VN30. Các kỳ hạn dài hơn VN30F2306, VN30F2309, VN30F23012 chênh lệch từ -7,78 điểm đến -12,68 điểm cho thấy các trader vẫn chưa có kỳ vọng lạc quan về triển vọng tăng trưởng của VN30.

Về tình hình vĩ mô, điểm tích cực là Việt Nam tiếp tục triển khai thêm các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn như giảm thuế VAT, đề xuất giãn nộp thuế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công bên cạnh lãi suất có xu hướng giảm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và BĐS. Tuy nhiên, những rủi ro và khó khăn của thị trường Trái phiếu, BĐS chưa thể giải quyết sớm, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng bấp bênh và đối diện với nguy cơ suy thoái.

Chuyên gia của SHS cho rằng, thị trường trong ngắn hạn không có tín hiệu tích cực nhưng rủi ro cũng không cao do thị trường đang hình thành vùng tích lũy cạn kiệt. Trong dài hạn thị trường lại ở trạng thái vận động trong vùng tích lũy quanh 1.000 điểm – 1.100 điểm để chuẩn bị cho chu kỳ uptrend thực sự sau đó.

Do đó nhà đầu tư trung, dài hạn có thể tiếp tục giải ngân dần tăng tỷ trọng nắm giữ để đón đầu giai đoạn tăng giá mới sau kỳ tích lũy này. Hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.

Theo Nguyễn Luận/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/ap-luc-ban-gia-tang-vn-index-co-tuan-giam-diem-thu-hai-lien-tiep-p45309.html