QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Áp lực bán từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index giảm điểm nhẹ

Sau phiên hồi phục trước đó, VN-Index chưa có nhiều chuyển biến tích cực về mặt chỉ số do áp lực bán ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã đè nặng lên thị trường.

VN-Index giảm điểm nhẹ sau phiên phục hồi. Ảnh minh họa

Thị trường lại quay trở lại xu hướng giảm khi VN-Index chốt phiên ngày 27/4 giảm -1,17 điểm (-0,11%). Tuy nhiên, phiên giảm điểm nhẹ này gần như không thay đổi về trạng thái kỹ thuật của thị trường.

Phiên sáng ghi nhận sự phục hồi với sự trở lại của lực cầu ở hầu hết các nhóm ngành giúp cho VN-Index bật tăng vượt lên trên vùng 1040. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu hóa chất và viễn thông với mức tăng tốt xấp xỉ 1.5%. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thể lạc quan ngay trở lại trong ngắn hạn khiến cho áp lực bán gia tăng làm chỉ số chung đảo chiều giảm điểm và tiếp tục rung lắc quanh mốc tham chiếu.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tuy chưa có nhiều chuyển biến tích cực về mặt chỉ số do lực bán đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng sự phân hóa được thể hiện khá rõ ràng khi thanh khoản mua chủ động vẫn tìm đến những nhóm ngành riêng lẻ với số mã tăng điểm và giảm điểm tương đương nhau.

Kết phiên giao dịch ngày 27/4, VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,11%) với khối lượng giao dịch cải thiện hơn. Độ rộng trên HOSE tích cực với 206 mã tăng điểm (06 mã tăng trần), 175 mã giảm điểm và 63 mã giữ giá tham chiếu. HNX-INDEX tăng nhẹ 0,02 điểm (0,01%) lên 205,86 điểm, độ rộng tích cực với 82 mã tăng điểm (05 mã tăng trần), 79 mã giảm điểm (09 mã giảm sàn) và 66 mã giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 9.660,13 tỉ đồng được giao dịch, thấp hơn mức thanh khoản trung bình khi kỳ nghĩ lễ kéo dài sắp đến. Nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng với giá trị bán ròng 298,31 tỉ đồng. Tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị 10,37 tỉ đồng.

Số liệu từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho thấy, mặc dù VN-Index chịu áp lực điều chỉnh nhưng thị trường vẫn giao dịch khá sôi động dưới ảnh hưởng tăng giá tích cực của nhóm mã bất động sản vốn chiếm tỉ trọng lớn trong thị trường, nhiều mã tăng giá mạnh thanh khoản đột biến như ITC (+6,95%), NTL (+6,92%), NHA (+6,87%), DXG (+4,76%), SCR (+4,12%), DIG (+3,55%).. bên cạnh một số mã vẫn chịu áp lực bán như VHM (-1,05%), QCG (-0,49%), LDG (-0,48%)…

Sau phiên phục hồi với thanh khoản thấp, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong khi thanh khoản thị trường chung vẫn chưa cải thiện với AGR (-2,12%), FTS (-1,82%), HCM (-1,61%), SSI (-0,94%)… Nhóm cổ phiếu thép sau phiên tăng giá mạnh chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản giảm như HSG (-2,55%%), NKG (-2,03%%), HPG (-1,36%%) …

Nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động phân hóa trái chiều với LPB (+1,43%), EIB (+1,06%), VCB (+0,67%), STB (-0,98%), VIB (-0,98%), MSB (-0,84)…

Nhóm cố phiếu đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng có diễn biến phân hóa với thanh khoản dưới mức trung bình như PTB (+2,59%), CTD (+1,37%), HHV (+1,18%), KSB (-1,00%), BCC (-0,89%), C4G (-0,85%)….

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp cũng như ở một số nhóm ngành khác cũng có diễn biến khá tương tự, phân hóa trái chiều trong giai đoạn thị trường chung vẫn tích lũy như D2D (+3,17%), SIP (+1,79%), VGC (+1,69%), KBC (+1,22%), SZC (-1,38%), TIP (-0,47%), BCM (-0,25%)…

Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2305 giảm 2,5 điểm (-0,24%), mức chênh lệch thu hẹp còn -6,54 điểm so với VN30 với khối lượng giao dịch giảm, khối lượng mở OI giảm, cho thấy các vị thế nghiên về đầu cơ trong ngày. Các kỳ hạn lớn hơn chênh lệch từ -9,54 điểm đến -11,84 điểm. Cho thấy các trader vẫn chưa có kỳ vọng lạc quan về triển vọng tăng trưởng của VN30.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, VN-Index điều chỉnh về cuối phiên do áp lực giảm điểm từ nhóm cổ phiếu trụ. Nhìn chung, phiên giao dịch vẫn khá tích cực khi số mã tăng điểm chiếm ưu thế và chỉ số chỉ ghi nhận do đà giảm từ các trụ lớn sát khung ATC.

Hỗ trợ tạm thời của chỉ số đang ở quanh ngưỡng 1030 điểm và áp lực giảm điểm của thị trường vẫn còn khi một vài mã trụ đang cho tín hiệu “phá đáy” đã thiết lập trước đó. Các chuyên gia kỳ vọng đà hồi phục sẽ tiếp diễn và VN-Index sẽ kiểm định lần lượt 2 mốc kháng cự là vùng cân bằng cũ trước đó tại 1050 – 1055 điểm và vùng 1065 – 1073 điểm. Nhịp hồi phục hiện tại nhằm để kiểm tra lại các mốc hỗ trợ đã bị phá vỡ và cũng sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư xử lý danh mục cổ phiếu nếu còn kẹp trước đó.

Vì vậy, chuyên gia của TVSI cho rằng nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành có tín hiệu đã tạo đáy phục hồi như cảng biển, ngân hàng và thép. Ngoài ra, có một vài nhóm ngành nhỏ như dược phẩm, nhựa, thủy sản hay gạo có thể tiếp tục cân nhắc.

Trong khi đó, với diễn biến hiện tại, các chuyên gia của VCBS khuyến nghị, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những phiên tăng điểm để lướt sóng các cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền thuộc nhóm điện hoặc bất động sản.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cân nhắc tận dụng những phiên phục hồi để cơ cấu lại danh mục, bán giảm những mã đang có xu hướng yếu hơn thị trường và đã giảm dưới vùng hỗ trợ.

Theo Nguyễn Luận/Doanh Nghiệp và Thương Gia Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/ap-luc-ban-tu-nhom-co-phieu-von-hoa-lon-vn-index-giam-diem-nhe-432585257-p45395.html