QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ba cái khó trong công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp nhà nước

Hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, song, các doanh nghiệp nhà nước đang gặp nhiều thách thức trong quá trình này…

Theo đó, nhiệm vụ chuyển đổi số là tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ điều này và nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế, Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, qua đó hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhà nước rút ngắn khoảng cách về tốc độ chuyển đổi số. Tuy vậy, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh, tầm quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số trong vai trò là động lực chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực…

Phát biểu về vấn đề doanh nghiệp nhà nước trong chuyển đổi số, tại hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức”, do Báo Điện tử VOV tổ chức, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số cho biết, các doanh nghiệp nhà nước có lợi thế về bề dày lịch sử, mức độ hiện diện trên thị trường cao, có định vị ngành nghề ổn định và sự tích lũy lâu dài đề phục vụ cho việc chuyển đổi số.

Song, quá trình chuyển đổi số của Việt Namvẫn còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Hậu, có 3 thách thức mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong lần chuyển đổi này. Thứ nhất, quy mô lớn, được đầu tư khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài nên khó khăn trong chuyển đổi mô hình, vận hành ứng dụng công nghệ mới.

Thứ hai, các doanh nghiệp mới tận dụng công nghệ mới, một cách linh hoạt, tập trung vào các khía cạnh ngách một cách phù hợp dễ tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, quy trình đầu tư, đặc biệt là công nghệ gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục, hiệu quả đầu tư.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) cho rằng, hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước đang đối mặt với những khó khăn, vướng mắc lớn. 

Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước) có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, bởi không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, và sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công.

Bởi sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn, nên chính quá trình này tạo ra nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) chia sẻ tại hội thảo

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều, nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh “Agile” hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm (Ecosystem) trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.

Đồng thời, chuyển đổi số cũng đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các doanh nghiệp nhà nước.

Với quy mô rất lớn, mô hình phức hợp và định hướng phát triển chịu sự chỉ đạo của các doanh nghiệp nhà nước, việc xây dựng các mô hình kiến trúc cho phù hợp cũng như điều chỉnh hàng năm cần có một chiến lược tích hợp kinh doanh, chuyển đổi số được thực hiện ngay từ giai đoạn bản lề trong thời gian đầu của việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để dẫn hướng tiến trình.

Tuy nhiên, hiện nay, đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức, đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành…

“Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới, trở thành một doanh nghiệp số”, ông Trường Giang nhấn mạnh.

Theo Phan Mỹ/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/ba-cai-kho-trong-cong-cuoc-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-nha-nuoc-post59539.html