QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bản tin đầu tư bất động sản ngày 08/04

1.700 tỷ xây dựng 60 khu tái định cư tại Thanh Hóa; Hơn 1.400 tỷ cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 tại Bình Dương; Thêm 8.000 tỷ đồng chống ngập nước tại TP.HCM… là một số tin tức đầu tư bất động sản nổi bật ngày 08/04.

Thanh Hoá: 1.700 tỷ xây dựng 60 khu tái định cư để giải toả hơn 4.700 ha đất

Từ năm 2019 – 2020 tỉnh Thanh Hoá sẽ quy hoạch 307 ha đất gồm 4.471 nền đất tái định cư cho người dân bị giải phóng mặt bằng từ 4.741 ha đất. Tổng số vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng.

Theo đó, trong giai đoạn này tỉnh Thanh Hoá có 150 dự án cần triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích đất thu hồi để bồi thường giải phóng mặt bằng gần 4.741 ha, trong đó có gần 352 ha đất ở.

Để tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất ở, tỉnh sẽ thực hiện đầu tư xây dựng 60 khu TĐC. Tổng diện tích các khu TĐC đã được rà soát, quy hoạch là hơn 307 ha với 8.471 lô đất dự kiến được bố trí. Tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án khoảng 1.700 tỷ đồng.

60 khu tái định cư này được bố trí tại 13/27 huyện, thị xã, thành phố là: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các huyện: Tĩnh Gia, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Như Thanh, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân, Thạch Thành.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án tái định cư bố trí từ quỹ phát triển đất được phân bổ từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Bình Dương: Hơn 1.400 tỷ cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13

Dự án được thực hiện theo hình thức BOT có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.411 tỷ đồng không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng (tong đó, 20% vốn doanh nghiệp, 80% vốn vay ngân hàng).

Theo đó, Quốc lộ 13 sẽ được cải tạo mở rộng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (Km1+315) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (Km15+018,28); mở rộng về bên phải thêm 2 làn xe (sau khi mở rộng là 8 làn xe) và đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ; đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hòa và Hữu Nghị, quy mô 4 làn xe, các nút giao khác nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành; đầu tư hệ thống thoát nước dọc, kết hợp chiếu sáng hai bên đường đoạn từ Bến Cát đến Bàu Bàng (cầu Tham Rớt).

Thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2022. Dự kiến, sau khi hoàn thành dự án sẽ sử dụng 2 trạm thu phí trên từng nhóm phương tiện để thu hồi vốn đầu tư và mức tăng phí hàng năm không vượt quá quy định của Bộ Tài chính.

TP.HCM: Thêm 8.000 tỷ đồng chống ngập nước

Trong năm 2019, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng 218 dự án chống ngập ngước với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng, khởi công mới 47 dự án (gần 2.000 tỷ đồng) và chuẩn bị đầu tư 94 dự án với tổng kinh phí 819 tỷ đồng.

Thành phố sẽ ưu tiên tập trung giải quyết tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và 5 lưu vực ngoại vi rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị; góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một loạt dự án chống ngập, trong đó có 7 dự án giải quyết 9/15 tuyến đường ngập nước do mưa; thi công hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) – dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều; thi công hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày.

Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận kế hoạch triển khai dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải.

Với chiều dài toàn tuyến khoảng gần 3.200m, dự án sẽ thực hiện nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hư hỏng nền, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu. Ngoài ra, còn cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, công trình hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa hư hỏng một số hạng mục công trình khác dọc tuyến.

Dự kiến, công trình được thi công trong khoảng 14 tháng (từ tháng 06/2019 đến tháng 08/2020). Hoàn thành công trình vào tháng 09/2020.

13 dự án mới tại Cẩm Phả, Quảng Ninh

Năm 2019, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh sẽ khởi công mới 13 dự án, với tổng mức đầu tư 127,862 tỷ đồng trong đó, kế hoạch bố trí vốn năm 2019 là 57,816 tỷ đồng.

Trong số 13 dự án khởi công mới này, Dự án Trường Mẫu giáo Cẩm Đông (phân hiệu chính) có tổng mức đầu tư lớn nhất (47 tỷ đồng). Tiếp đó là Dự án Hạ tầng kỹ thuật nhóm nhà ở tại tổ 1, 2 khu Bình Sơn, phường Cẩm Sơn (18,077 tỷ đồng); Dự án Cải tạo hệ thống rãnh dọc, vỉa hè, cây xanh trung tâm xã Chương Huy (10 tỷ đồng)…

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố các dự án khởi công mới trong năm 2019 của các địa phương trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, TP. Hạ Long có 71 dự án, với tổng mức đầu tư là 3.049,439 tỷ đồng; huyện Bình Liêu có 13 dự án, với tổng mức đầu tư là 129,607 tỷ đồng; huyện Tiên Yên có 9 dự án, với tổng mức đầu tư là 58,903 tỷ đồng; TP. Móng Cái có 5 dự án, với tổng mức đầu tư là 47,444 tỷ đồng…

Phú Thọ kêu gọi đầu tư khu dân cư nông thôn 294,6 tỷ đồng

Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ vừa công bố dự án Khu dân cư nông thôn xã Vô Tranh (huyện Hạ Hòa) cần kêu gọi nhà đầu tư. Dự án có tổng chi phí thực hiện (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là 294,6 tỷ đồng.

Địa điểm triển khai dự án là tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đến nay, khu đất này đã được giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện dự án là 4 năm.

Lào Cai đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 130 ha đất rừng

UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tỉnh Lào Cai chuyển mục đích sử dụng hơn 130 ha rừng để thực hiện 14 dự án cấp thiết của Tỉnh, trong đó có 125,58 ha rừng tự nhiên và 5,66 ha rừng trồng.

UBND tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, tỉnh này đang có 14 dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội rất cấp thiết, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, như: Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa, Dự án Cung cấp vật liệu xây dựng hạ tầng cơ sở Sa Pa…

Về nội dung này, UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã 3 lần thực hiện rà soát kỹ lưỡng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã họp chỉ đạo xem xét, giải quyết đối với đề nghị của tỉnh Lào Cai.

Quảng Ninh sẽ chỉ định nhà đầu tư Khu nhà ở thương mại Vạn Yên

Dự kiến trong quý II/2019, Quảng Ninh sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu nhà ở thương mại tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn theo hình thức chỉ định thầu. Theo Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, sở dĩ áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư vì chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển – Công ty CP Mặt trời Vân Đồn.

Dự án có tổng chi phí là 411,304 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chưa bao gồm tiền sử dụng đất). Thời gian thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất này là 30 tháng trong đó, thời gian giải phóng mặt bằng là 6 tháng, thi công xây dựng là 24 tháng.

Dự án có diện tích sử dụng đất là 19.838 m2. Các hạng mục đầu tư là khu nhà ở gồm 4 khu căn hộ cao 10 tầng; hạ tầng kỹ thuật, khu phụ trợ, sân chơi thể dục thể thao, bãi đỗ xe, cây xanh cảnh quan, vườn dạo và giao thông nội bộ… Mục tiêu đầu tư dự án là nhằm xây dựng khu nhà ở thương mại với hạ tầng kỹ thuật xã hội đồng bộ, khớp nối với hạ tầng kỹ thuật của khu vực…

Theo Văn Thắng/Thời báo chứng khoán