QC 1
Chủ nhật, ngày 05/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

BCTC VietinBank năm 2019 đã thoát khỏi “bức tranh kém sắc” so với năm 2018

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã; CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quí IV/2019 với nhiều con số tăng trưởng khả quan.

Báo cáo tài chính của VietinBank năm 2019 đã thoát khỏi bức tranh kém sắc trong năm trước với nhiều “con số đẹp”. Tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao gần 80% do sự góp phần nhiều mảng kinh doanh chính, riêng thu nhập lãi thuần tăng gần 50%.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 49,5%; lãi thuần từ dịch vụ tăng 46,4%; lãi thuần từ kinh doanh ngoái hối tăng 120%. Một số mảng ghi nhận lỗ hoặc sụt giảm nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến tăng trưởng lợi nhuận thuần chung (72,6%).

Do đó, mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 66% nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng vẫn tăng trưởng ở mức cao.

Riêng trong quí IV, sau khi thực hiện điều chỉnh lại, quí IV/2018, ngân hàng báo lỗ hơn 1.000 tỉ đồng trước thuế và con số của năm nay là 3.324 tỉ đồng.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quí IV/2019 đạt 2.654 tỉ đồng trong kì cùng kì năm trước lỗ 846 tỉ đồng (điều chỉnh lại), VietinBank cho biết do ngân hàng tập trung tăng trưởng có chọn lọc, ưu tiên phân khúc khách hàng phân có hiệu quả sinh lời cao hơn. Đồng thời, ngân hàng thực hiện định hướng chuyển dịch cơ cấu thu nhập, tăng mạnh thu nhập ngoài lãi, kiểm soát chi phí.

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản ngân hàng tăng 6,6% trong đó cho vay khách hàng tăng trưởng khiêm tốn 8,1%. Số dư huy động của VietinBank cũng tăng ở mức tương đương 8,1%.

Số dư nợ xấu của VietinBank giảm hơn 21% so với năm trước với 10.813 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu về 1,16%, mức tương đối thấp trong hệ thống. Ngân hàng chưa công bố cụ thể con số nợ xấu tại VAMC tuy nhiên giá trị chứng khoán giữ tới ngày đáo hạn ở mức hơn 15.368 tỉ đồng, không thay đổi nhiều so với năm trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, Vietinbank ghi nhận 8.456 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng lợi nhuận là thu nhập lãi thuần đạt 24.507 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ 2018. Các khoản đóng góp đáng kể nữa là lãi hoạt động dịch vụ tăng trưởng 53,4% (đạt gần 3.047 tỷ đồng) và lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2018 (đạt gần 1.189 tỷ đồng).

Dù quy mô hoạt động tăng trưởng thấp, tính đến hết quý III, dư nợ cho vay của ngân hàng mới tăng 3% so với đầu năm, nhưng hiệu quả cải thiện tích cực, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 29.948 tỷ đồng trong 3 quý.

Lũy kế 9 tháng, chi phí hoạt động giảm 0,8% xuống mức 10.610 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro 10.882 tỷ đồng (tăng 30,6%). Sau khi trừ các khoản này, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 11,3%, đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng lợi nhuận của các ngân hàng tại thời điểm 30/9/2019.

Nhìn vào các báo cáo tài chính năm 2019, nợ xấu của ngân hàng này ở mức 15.963 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng hơn 2.200 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2018, trong đó nợ nhóm 5 tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng và chiếm hơn 65% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng từ 1,58% lên 1,85%.

Đến cuối quý II, trong khi nợ xấu tại Vietcombank và BIDV tăng, Vietinbank lại có xu hướng giảm. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 6 là 13.010 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm 22% xuống 7.521 tỷ đồng, nợ nhóm 3 giảm 14% xuống 1.829 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 4 tăng 84% lên 3.659 tỷ đồng.

Cuối quý III, nợ xấu nội bảng của Vietinbank tăng 2,7%, lên 14.066 tỷ đồng. Song so với đầu năm, nợ nhóm 5 và nợ nhóm 3 đã giảm lần lượt 639 tỷ đồng và 453 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 1.467 tỷ đồng.

Xét riêng nợ nhóm 5, dù ở mức 8.831 tỷ đồng, chiếm khoảng 62,7% tổng nợ xấu nhưng so về con số tuyệt đối đã giảm 6,7% so với cuối năm 2018 và Vietinbank chưa phải là nhà băng có nợ nhóm 5 cao nhất. Quán quân về nợ nhóm 5 vào thời điểm cuối tháng 9/2019 là BIDV với 10.492 tỷ đồng.

Hơn nữa về tỷ lệ, nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã giảm từ 1,58% hồi đầu năm xuống 1,56% vào cuối tháng 9, nhà băng này tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống.

Trong vấn đề nợ xấu, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định tỷ lệ nợ xấu của từng ngân hàng nói riêng và cả hệ thống nói chung trong từng thời điểm có thể tăng hoặc giảm. Nhưng xét trong 3 năm trở lại đây, vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng tương đối ổn, những ngân hàng giữ tỷ lệ nợ xấu mức dưới 2% là mức chấp nhận được.

Vị này cho rằng nợ xấu có thể phát sinh, ở ngân hàng này có thể tăng nhưng ngân hàng kia có thể giảm, về tổng thể tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức thấp cũng không thành vấn đề.

Theo thông tin Vietinbank cung cấp, số liệu trái phiếu đặc biệt VAMC đã được công bố trên báo cáo tài chính năm 2018, hiện tại nhà băng này đã trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt tương ứng hơn 40% mệnh giá trái phiếu đặc biệt (cao hơn gấp 2 lần so với quy định của NHNN).

Trong cuộc gặp gỡ các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ VietinBank tăng mạnh lượng trích lập dự phòng cho nợ xấu tại VAMC từ 17% trong năm 2018 lên 54% vào cuối năm 2019. Đồng thời cho biết ngân hàng chưa có kế hoạch bán thêm nợ xấu sang VAMC và sẽ xử lí xong nợ xấu tại đây trong thời gian sớm trước mắt.

Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng khoán

https://tbck.vn/bctc-vietinbank-nam-2019-da-thoat-khoi-buc-tranh-kem-sac-so-voi-nam-2018-58541.html