QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Các ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh bảo hiểm trong năm 2019

Năm 2019, Bancassurance là động lực chính của mảng dịch vụ ngân hàng. Kênh bancassurance mang về hàng trăm, nghìn tỷ đồng cho MBBank, ACB, TPBank, VIB…    

Hoạt động bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính trong mảng dịch vụ của VIB. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2019, ngoài hoạt động cho vay truyền thống, động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng còn đến từ sự “bội thu” từ hoạt động dịch vụ với tăng trưởng mạnh mẽ từ mảng kinh doanh bảo hiểm.

Tại MBBank, kết thúc năm 2019 ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế kỉ lục hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018 và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MBBank tăng 24%, mang về 3.186 tỷ đồng và đóng góp tới 13% tổng thu nhập hoạt động.

Đáng chú ý, riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã đóng góp tới 1.788 tỷ đồng lãi thuần, chiếm 56% lợi nhuận mảng dịch vụ, tăng trưởng 18% so với năm 2018 và gấp gần 5 lần năm 2017.

Như vậy, trong hai năm qua, lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MBBank tăng trưởng gộp hơn 120%, gấp gần hai lần tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chung của cả mảng dịch vụ.

Ngoài việc hợp tác bán chéo với các công ty bảo hiểm, việc thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life (MB Ageas Life) vào năm 2017 cũng đóng góp một phần quan trọng trong thành quả trên. Ngân hàng cho biết khoảng 85 – 90% doanh thu mới của MB Ageas Life đến từ việc phân phối trực tiếp thông qua hệ thống giao dịch của MBBank.

Tại VPBank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong năm 2019 tăng trưởng tới 84%, trong đó, lãi thuần bancassurance chiếm 42% với gần 1.250 tỷ đồng và tăng trưởng 42% so với năm trước.

Thu nhập bancassurance của VPBank mở rộng chủ yếu nhờ việc phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA Việt Nam. Theo dự báo của VNDirect, khoản tiền hoa hồng từ việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng được sẽ đóng góp thêm 1.445 tỷ đồng vào thu nhập ngoài lãi của VPBank trong giai đoạn 2018 – 2020.

Cũng giống MBBank và VPBank, hoạt động bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính trong mảng dịch vụ của VIB.

Sau khi kí hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã tăng trưởng mạnh, liên tục trong suốt bốn năm qua.

VIB đã kí hợp tác với Prudential trong 3 năm và chiếm gần 80% thị phần bảo hiểm qua kênh ngân hàng của công ty bảo hiểm này. Theo số liệu của Chứng khoán Rồng Việt, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016.

Trong năm 2019, phí hoa hồng bảo hiểm của VIB đạt gần 1.112 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kì năm trước và đóng góp 50% tổng nguồn thu. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động này chiếm tới 62% tổng lãi thuần mảng dịch vụ.

Với ACB, thu nhập từ bảo hiểm đang dẫn dắt tăng trưởng thu nhập phí nói riêng và thu nhập hoạt động nói chung trong bối cảnh không có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thu nhập lãi hay thu nhập khác. Trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập phí từ bancassurance đạt kỉ lục 414 tỷ đồng tăng trưởng 250%.

Còn tại TPBank, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2019 đạt hơn 570 tỷ đồng chiếm tới hơn 50% tổng lãi thuần mảng dịch vụ và tăng 55% so với cùng kì. Đây là một kết quả đáng ghi nhận của TPBank trong bối cảnh hệ thống mạng lưới của ngân hàng này chỉ dừng mở mức 75 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.

Theo Lâm Tuyền/Thời báo Chứng khoán

Bài gốc: https://tbck.vn/cac-ngan-hang-lai-lon-tu-kinh-doanh-bao-hiem-trong-nam-2019-59182.html