QC 1
Thứ 2, ngày 06/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cần ‘cơ chế riêng’ cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp khi niêm yết?

Sau khi “buông bỏ” công ty nông nghiệp, HAGL đến hiện tại đã gọn ghẽ hơn rất nhiều cùng chỉ tiêu tài chính cải thiện, từ đó có thể kỳ vọng công ty này sẽ đi xa hơn với nhiều kế hoạch, câu chuyện hơn trong thời gian tới.

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 14/2 ghi nhận sắc đỏ bao trùm hầu hết các nhóm cổ phiếu. Trong đó HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) giảm sàn 6,9% về mức 11.550 đồng/CP ngay từ đầu phiên với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, cổ phiếu này đã “bốc hơi” 23% từ vùng giá 15.000 đồng/CP.

HAG giảm mạnh trong bối cảnh cổ phiếu này có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) do bị thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019).

Liên quan đến vấn đề trên, vào cuối tháng 1/2022, HAGL đã có văn bản giải trình liên quan đến điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính, đồng thời trình bày kiến nghị của cổ đông về việc duy trì niêm yết cổ phiếu HAG tại HoSE.

Cụ thể, HAGL xin kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết, bởi các cổ đông HAGL mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm. Hơn nữa, sau khi “buông bỏ” công ty nông nghiệp, HAGL cũng đã có lãi ròng trở lại trong năm 2021 với giá trị 126 tỷ đồng.

Phía HAGL cũng cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc đang diễn ra tại tập đoàn. Theo đó, HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng; xử lý phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn).

Thậm chí năm 2022, HAGL tham vọng lãi lên đến 1.120 tỷ đồng – tương đương mức lãi trong thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đề mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.

Do vậy, lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan Nhà nước “cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết”.

Bàn về cổ phiếu HAG, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta cho rằng có thể xem HAG là một trường hợp đặc biệt bởi ảnh hưởng của COVID-19 khiến doanh nghiệp khó khăn. Từ đó, có thể cho HAG thời gian khoảng 6 tháng để xem xét kết quả kinh doanh thu về có khả quan hơn không.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp Luật và Phát triển cho biết: Trước tiên phải khẳng định, chủ trương, chính sách của Nhà nước ta là ủng hộ việc phát triển Nông nghiệp theo hướng quy mô và hiện đại. Đây có thể nói là tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển đất nước theo hướng bền vững vì nông nghiệp về lâu về dài sẽ kéo theo phát triển cả các ngành như công nghiệp và đặc biệt là du lịch.

Đối với các chính sách cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải khẳng định cần phải có những đặc thù riêng. Trong nhiều năm qua, chính sách của Nhà nước đang rất ưu tiên, hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp như: Vay vốn ưu đãi, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, ưu tiên về thủ tục cấp phép… Tất cả đều thể hiện việc thể chế của chúng ta đang hướng tới một nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững.

Đối với vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, ở đây, chúng ta thấy đang có sự khúc mắc về việc chế tài ưu tiên cho các đơn vị này. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp một bài toán kinh doanh muốn có lãi ít nhất phải sau vài năm, có thể 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn. Nhưng đổi lại, khi đã đến giai đoạn “thu hoạch” thì việc đầu tư sẽ giảm thiểu gần như tương đối nên hệ quả thành công tuy chậm nhưng chắc.

Đối chiếu với các quy định về hoạt động tài chính hiện hành, như việc, Uỷ ban chứng khoán có quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ 3 năm thì không được niêm yết. Trước tiên phải nói, quy định này là chính xác nhưng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần có đặc thù riêng vì họ phải mất một khoảng thời gian khá dài đầu tư. Ví dụ như, trồng một cái cây hay nuôi con lợn, con gà thì không thể lãi ngay trong những năm đầu được vì vốn đầu tư chuồng trại, khuôn viên… đó còn chưa nói đến vấn đè thị trường lên hoặc xuống…

Vì vậy, một câu chuyện nhỏ trong chiến lược phát triển nông nghiệp của chúng ta là cần phảu có những chế tài, quy định riêng biệt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài vấn đề các doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết thì đơn cử như vấn đề Bảo hiểm nông nghiệp đang có những vấn đề không phù hợp với hoạt động nông nghiệp.

Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là tầm nhìn chiến lược, đóng vai trò góp phần trong việc phát triển bền vững vì vậy cần có những quy định đặc thù đối với lĩnh vực này.

Theo Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/can-co-che-rieng-cho-cac-doanh-nghiep-dau-tu-nong-nghiep-khi-niem-yet-post117881.html