QC 1
Thứ 4, ngày 01/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chật vật “giải cứu” nợ nghìn tỷ, CII vừa được ngân hàng giải ngân 9.300 tỷ đồng

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã: CII) vừa được Vietcombank giải ngân khoản vay 9.302 tỷ đồng. Khoản vốn này sẽ được dùng để xây dựng 2 dự án trọng điểm là BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và BOT Xa Lộ Hà Nội.

Ngân hàng giải ngân cho CII vay 9.302 tỷ đồng

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM vừa công bố thông tin ngày 18/12 về khoản giải ngân vốn lớn hơn 9.302 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn tất.

Khoản vay này được áp dụng mức lãi suất cho vay thấp là 8,55%-8,7%/năm, thời hạn cho vay dài từ 7 – 14 năm.

 Khu vực trạm thu phí của dự án BOT Xa lộ Hà Nội, đoạn trước cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Báo CAND

Theo CII, khoản cho vay 9.302 tỷ đồng sẽ được phân bổ vào hai dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của CII là BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và BOT Xa Lộ Hà Nội.

“Việc giải ngân số tiền rất lớn với thời hạn cho vay từ 7 – 14 năm và mức lãi suất cho vay thấp từ Vietcombank là một thành công lớn của CII. Qua đó, khẳng định khả năng hoàn vốn của các dự án BOT do CII đầu tư”, CII cho biết.

Ngoài ra, nhờ có khoản giải ngân từ ngân hàng sẽ giúp công ty tiếp tục thực hiện tái cấu trúc dòng tiền các dự án BOT đã và đang khai thác để nhanh chóng thu hồi vốn tái đầu tư cũng như thanh toán cổ tức cho cổ đông.

Theo báo cáo tài chính, CII đang đối mặt với áp lực căng thẳng tài chính do nợ vay lớn, trong khi dòng tiền thiếu hụt, tín dụng bị siết chặt…

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng vay nợ của CII lên tới gần 13.000 tỷ đồng, dù đã giảm 1.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 9 tháng, công ty phải trả hơn 900 tỷ đồng tiền lãi vay.

Xét các chỉ tiêu tài chính, tỷ lệ nợ phải trả/vốn ở mức cao gấp 2,2 lần tại thời điểm 30/9/2023 là yếu tố bất lợi cho CII khi tham gia đấu thầu dự án hay vay vốn lớn. 

Do vậy, thời gian qua Công ty CII đang tập trung tái cơ cấu nguồn vốn để giải quyết rủi ro lớn với hoạt động của công ty. Đó là áp lực tài chính lớn trong ngắn và trung hạn, do CII đã sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao trong quá trình đầu tư dự án BOT.

Trong vòng 5 năm qua, tổng tài sản hợp nhất của CII đã tăng gần 7.580 tỷ đồng (từ 20.709 tỷ đồng lên mức 28.559 tỷ đồng), trong khi vốn điều lệ gần như không thay đổi ở mức 2.800 tỷ đồng.

Liên tiếp trong nhiều năm, CII phải chịu gánh nặng trả nợ và lãi vay rất lớn. Đến cuối năm 2022, nợ phải trả tăng gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu, ở mức 20.264 tỷ đồng. Trong số này, chủ yếu là vay nợ tài chính với 14.582 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 72%). Vay nợ lớn khiến CII phải chi 1.120 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2022.

Trong nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn, mới đây, CII đã hoàn tất bán gần 8 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn từ ngày 28/11-14/12/2023, giảm sở hữu về 0,01% và không còn là cổ đông lớn tại đây. Ước tính khoản thoái vốn này đem về cho CII hơn 160 tỷ đồng.

Tương tự, từ ngày 6/6 đến ngày 5/7/2023, CII đã bán ra 24,6 triệu cổ phiếu SII của Saigon Water trong tổng đăng ký 32,6 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu tại từ 50,62% về còn 12,36% vốn điều lệ.

Kế hoạch cấu trúc nguồn vốn gần 7.000 tỷ đồng có khả thi? 

Để bổ sung khẩn cấp nguồn vốn mới, CII báo cáo với cổ đông về kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn lên tới gần 7.000 tỷ đồng. Trước mắt, công ty đang triển khai việc phát hành lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 2.840 tỷ đồng (hạn cuối đến ngày 26/1/2024). Lô trái phiếu này không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền, chào bán cho cổ đông hiện hữu.

 Kế hoạch cơ cấu nguồn vốn tín dụng của CII. 

Tuy vậy, cổ đông băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch cấu trúc lại nguồn vốn nghìn tỷ của CII trong bối cảnh thị trường trái phiếu, chứng khoán khó khăn, không thuận lợi. 

CII cho biết, công ty làm việc với một tổ chức tài chính quốc tế để bảo lãnh thanh toán cho lô trái phiếu gần 2.400 tỷ đồng, thời hạn trên 10 năm. Ngoài ra, công ty dự kiến phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với kỳ hạn trên 10 năm cho cổ đông hiện hữu.

Nếu phát hành thành công toàn bộ lô trái phiếu 4.500 tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ phải trả/vốn của CII sẽ giảm từ 2,2 lần xuống 1,1 lần. Đây là chỉ tiêu quan trọng, bởi nếu không cải thiện được tỷ lệ này thì CII khó có thể tham gia các hoạt động đấu thầu dự án mới và khó có thể tiếp tục huy động vốn đầu tư với quy mô lớn.

 Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 ngày 17/10 của CII.

Gần đây, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 ngày 17/10, cổ đông chất vấn ban lãnh đạo CII về kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn để giảm gánh nặng chi phí vay vốn, dẫn tới “bào mòn” đáng kể lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh và đầu tư quá thấp.

Bà Nguyễn Quỳnh Hương – Phó tổng giám đốc CII cho biết, công ty sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu để tăng tỷ lệ vốn. Khi đó, cơ cấu vốn của công ty sẽ chuyển từ nợ vay thành vốn chủ sở hữu, giamr sự phụ thuộc vào vốn vay.

Lợi nhuận và doanh thu của các dự án mà CII đã triển khai rất rõ ràng và khả năng hoàn vốn cao. Do đó, thay vì đi thu phí và trả nợ cho ngân hàng, công ty có thể chuyển phần vốn đó thành vốn cổ phần thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi, tăng vốn điều lệ. Tiền thu được từ các dự án sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả lãi trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính, đến cuối quý 2/2023, CII đang ghi nhận các khoản vay ngắn hạn quy mô lớn tại nhiều ngân hàng, gồm: HDBank với dư nợ 2.926,5 tỷ đồng, thời hạn vay dưới 12 tháng, lãi suất 11 – 13,5%/năm; vay BIDV gần 198 tỷ đồng, thời hạn 8 tháng; vay cá nhân và các tổ chức khác 774,8 tỷ đồng…
Về vốn vay dài hạn, CII đang có nợ vay Vietcombank là 2.365,9 tỷ đồng; vay BIDV 1.248,7 tỷ đồng; vay Vietinbank 1.221,5 tỷ đồng…
Cổ đông băn khoăn về khả năng thanh toán nợ trái phiếu hiện là 2.004,6 tỷ đồng, vì CII đang rất khó khăn về nguồn để trả nợ, trong khi công ty lại muốn phát hành nhiều lô trái phiếu với tổng giá giá trị gần 7.000 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt – Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/chat-vat-giai-cuu-no-nghin-ty-cii-vua-duoc-ngan-hang-giai-ngan-9-300-ty-dong-491911.html