QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán Mỹ ngày 4/6: Quay đầu điều chỉnh

Thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu điều chỉnh trong ngày thứ Năm, đây là phiên giảm điểm đầu tiên trong 5 phiên của S&P 500 và Nasdaq Composite.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/6), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 11 điểm, tương đương 0,1%, lên 26.281,82 điểm. Trái lại, chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 3.112,35 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,7% xuống 9,615.81 điểm. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên trong 5 phiên của S&P 500 và Nasdaq Composite.

Trong phiên này, cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn đã gây sức ép lên thị trường. Cụ thể, cổ phiếu Facebook và Netflix đều rớt hơn 1.6%. Cổ phiếu Amazon mất 0.7%, còn cổ phiếu Alphabet và Apple đều giảm hơn 0.8%.

Hồi đầu phiên, chỉ số Nasdaq-100 – được tạo thành từ 100 cổ phiếu phi tài chính lớn nhất thuộc Nasdaq Composite đã chạm mức cao kỷ lục trong phiên. Tuy nhiên, chỉ số này đã đảo chiều lùi 0.8% vào cuối phiên.

Amazon, PepsiCo, Costco và PayPal là những cổ phiếu đã thúc đẩy Nasdaq-100 leo lên mức cao kỷ lục từ mức đáy hồi cuối tháng 3/2020. Cổ phiếu Amazon đã bứt phá gần 30% kể từ ngày 23/03/2020, còn cổ phiếu PepsiCo leo dốc 24%. Cổ phiếu Costco vọt hơn 8% trong thời gian này và cổ phiếu PayPal bứt phá hơn 81%.

Trước đó, thị trường chứng khoán châu Á ngày 4/6 diễn biến trái chiều. Cụ thể, chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,4% lên 22.695,74 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,17% lên 24.366,30 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,14% xuống 2.919,25 điểm. Nhiều sàn chứng khoán tăng nhẹ như Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan). Hai sàn chứng khoán ở Đông Nam Á giao dịch khởi sắc là Bangkok (Thái Lan) với hơn 2% và Manila (Philippines) ở mức hơn 4%, trong khi chứng khoán tại Singapore và Jakarta (Indonesia) đi ngang.

Ở một diễn biến khác, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có chiều hướng gia tăng khi Washington ngày 3/6 yêu cầu đình chỉ các chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc vận hành đến và đi từ Mỹ. Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên gay gắt sau khi Trung Quốc phê chuẩn việc ban hành luật an ninh quốc gia tại Hong Kong và Ma Cao vào tháng trước.

Mới đây, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định nền kinh tế Eurozone đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bà Lagarde cho rằng những dấu hiệu đầu tiên của việc phục hồi sau sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa vẫn còn mờ nhạt.

Theo người đứng đầu ECB, do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và giảm nhu cầu trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm mạnh 8,7% trong năm 2020.

ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm tới và 3,3% trong năm 2022 nhờ vào những gói kích thích quy mô lớn từ các chính phủ thành viên và ECB.

Trong diễn biến khác, Hội đồng điều hành ECB đã quyết định mở rộng chương trình thu mua khẩn cấp trái phiếu của chính phủ và doanh nghiệp lên 1.350 tỷ euro. Đồng thời, ECB cũng tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản của Khu vực sử dụng đồng euro ở mức thấp kỷ lục là 0%. Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng vẫn ở mức -0,5%.

Theo Nguyễn Thanh/Kinh tế Chứng Khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-my-ngay-46-quay-dau-dieu-chinh-68467.html