QC 1
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chuyên nghiệp hóa hoạt động cho vay tiêu dùng

Để góp phần hạn chế “tín dụng đen”, bên cạnh các ngân hàng đẩy mạnh cho vay thì việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính mở rộng cho vay tiêu dùng, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp sẽ khiến lãi suất cạnh tranh hơn. Và từ đó, sẽ giảm thiểu, ngăn ngừa được hiện tượng cho vay nặng lãi.

Việc nhận diện và đưa ra các giải pháp liên quan đến việc phòng, chống “tín dụng đen” đã được chỉ đạo ở nhiều hội nghị từ Trung ương tới các địa phương. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trước hết cần phải hiểu đúng bản chất của tệ nạn này để có giải pháp đúng và trúng.

Các giao dịch tín dụng đen thường không thực hiện việc ký kết hợp đồng vay với các thông tin rõ ràng, cầm cố tài sản nhỏ hoặc thông qua giấy vay nợ viết tay… Theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu tiền và việc sử dụng vốn của các cá nhân, tổ chức rất lớn dẫn đến sự ra đời của hình thức cho vay mà nhiều người quen gọi là “tín dụng đen”.

Người đứng đầu ngành Công an cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng gần đây, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp là do một bộ phận người dân, nhất là thanh niên không chịu làm ăn, thích ăn chơi nên khi cần tiền thì bất kỳ lãi suất nào cũng vay; Các chế tài xử lý với đối tượng này lại chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe; Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, một số cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, nhóm người đi vay tìm đến “tín dụng đen” là những khách hàng không thể tiếp cận hoặc đã bị ngân hàng từ chối cho vay. Tuy nhiên, chính nhóm đối tượng “phi chuẩn” này lại chiếm tỷ lệ rất cao trong phân khúc khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng.

Với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt xã hội của hoạt động “tín dụng đen” nên thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống. Ngành ngân hàng cũng đang tích cực triển khai các giải pháp giúp người dân tiếp cận kênh tín dụng chính thức dễ dàng hơn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng: Agribank, Ngân hàng chính sách xã hội dành lượng vốn cho vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn với thủ tục đơn giản, thời gian xử lý hồ sơ nhanh để hạn chế việc người dân tìm đến “tín dụng đen”; Cùng với đó, hệ thống công ty tài chính cũng được nhắc đến nhưng yêu cầu tới đây phải tiếp tục tạo lập hành lang pháp lý, minh bạch để vận hành theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Do đó, cơ quan quản lý cần tạo khuyến khích các công ty công nghệ tài chính áp dụng công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân.

Mặc dù những nội dung trên mới là giải pháp từ phía ngành ngân hàng, để góp phần hạn chế “tín dụng đen” cần có sự vào cuộc từ các bộ, ngành khác như chính quyền, cơ quan an ninh, các tổ chức chính trị – xã hội, và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền…

Theo Thu Hoài/Thời báo Chứng Khoán