Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/var/lib/mariadbtmp/#sql_6f23_9.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /home/openstock.vn/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 2024

Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/var/lib/mariadbtmp/#sql_6f23_9.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /home/openstock.vn/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 2024
Warning: mysqli_query(): (HY000/1): Can't create/write to file '/var/lib/mariadbtmp/#sql_6f23_9.MAI' (Errcode: 28 "No space left on device") in /home/openstock.vn/public_html/wp-includes/wp-db.php on line 2024
class="post-template-default single single-post postid-269458 single-format-standard wp-custom-logo">
QC 1
Thứ 7, ngày 27/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chuyện tỷ lệ nợ xấu vượt “ngưỡng trần” và huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, số dư nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín – VietBank tăng gần 14% lên tới 2.648 tỷ đồng chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng vọt 143%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3,65% (hồi đầu năm) lên 3,86%. Tuy vậy, VietBank vẫn cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và tiếp tục huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu và tăng vốn…

Lý giải như thế nào về việc, nợ xấu vượt “ngưỡng trần” nhưng lợi nhuận vẫn tăng?

Dữ liệu báo cáo tài chính (BCTC) của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thương Tín – VietBank, mã: VBB cho thấy, tính đến ngày 30/6/2023 thu nhập lãi thuần – nguồn thu chính của ngân hàng đạt hơn 439 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, mảng lãi hoạt động dịch vụ của nhà băng này đạt hơn 23,7 tỷ đồng, giảm 6,2% và mảng lãi hoạt động kinh doanh khác cũng giảm gần 5%, đạt hơn 77,8 tỷ đồng.

A1 - BCTC quý II-2023
Nguồn: BCTC quý II/2023 tại VietBank.

Song song đó, VietBank cũng ghi nhận một số mảng kinh doanh khởi sắc như: Lãi hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 96,3%, lên mức hơn 19 tỷ đồng; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư nhảy vọt tới 789%, lên mức 25,9 tỷ đồng.

Trong kỳ, VietBank đã cắt giảm gần 50% chi phí dự phòng rủi ro về mức 47,5 tỷ đồng nhưng vẫn không thể bù đắp cho sự giảm sút trong lợi nhuận. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ghi nhận 171,5 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động của VietBank cũng ghi nhận 367 tỷ đồng, tăng thêm 15% (chủ yếu là chi phí nhân viên và chi phí tài sản), do vậy lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của VietBank đã giảm tới 40,6%, chỉ còn hơn 219 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, VietBank lãi trước thuế giảm gần 5%, đạt 368 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Kết thúc ngày 30/6/2023, tổng tài sản tại VietBank đạt hơn 115.698 tỷ đồng, tăng 3,9% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 7,7% đạt mức 68.532 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi khách hàng của VietBank ở mức 80.887 tỷ đồng, cũng tăng 6,4% so đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/6/2023 của VietBank đạt 2.648 tỷ đồng, tăng 323,8 tỷ đồng (tương đương tăng 14%) so với đầu năm.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh nhất chạm mức 443,1 tỷ đồng (tăng 143%, gấp 2,4 lần), trong khi hồi đầu năm ở mức 182,2 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) nhích nhẹ lên 1% đạt 330,8 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) vẫn chiếm ở mức cao nhất với 1.874,1 tỷ đồng, (tăng thêm 59,6 tỷ đồng) so với hồi đầu năm 2023.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của VietBank tăng từ 3,65% hồi đầu năm lên mức 3,86% tại thời điểm 30/06/2023.

A2 - VIETBANK - TONG NO XAU
Nguồn: BCTC tại VietBank.

Nhìn vào các chỉ số tài chính trên báo cáo Kiểm toán từ năm 2019-2022 cho thấy, dư nợ xấu của VietBank tăng “chóng mặt”. Cụ thể, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của VietBank tại thời điểm cuối năm 2019, 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 539 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,31%), 785 tỷ đồng (1,75%), 1.845 tỷ đồng (3,65%) và 2.324 tỷ đồng (3,65%).

Gần đây nhất, trong quý I/2023, số dư nợ xấu của ngân hàng này đạt 2.654 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) vẫn chiếm ở mức cao nhất với 1.979,7 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng đến 67%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3,65% hồi đầu năm lên 4,31%.

A3 - VIETBANK - TY LE % NO XAU
Nguồn: BCTC tại VietBank.

Song, nhìn vào kết quả kinh doanh của VietBank qua các năm gia đoạn từ 2019 đến tháng 6/2023 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng rất ổn định. Cụ thể, năm 2019, VietBank ghi nhận doanh thu thuần là 1.216 tỷ đồng và lợi nhận trước thuế 613 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu 1,31%). Năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhận trước thuế của VietBank lần lượt giảm về 569,7 tỷ đồng và 381 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu 1,75%). Tuy nhiên, năm 2021 doanh thu thuần và lợi nhận trước thuế của VietBank đã vọt lần lượt là 1.486 tỷ đồng và 636 tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ xấu lại tăng lên mức 3,65%. Năm 2022, doanh thu thuần đạt 1.811 tỷ đồng và lợi nhận trước thuế đạt 659 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu 3,65%),…

A4 - Ket qua kinh doanh 1
Nguồn: BCTC tại VietBank.

Liên quan đến tỷ lệ nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước từng đặt “ngưỡng trần” nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác… Có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín đang vượt “ngưỡng trần” nêu trên.

Đánh giá từ các chuyên gia về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại cho thấy, những khoản nợ xấu cao có thể đẩy ngân hàng rơi vào tình trạng mất vốn, mất thanh khoản và mất lòng tin của khách hàng. Khi nợ xấu gia tăng đồng nghĩa với nguồn vốn đầu tư sẽ bị đóng băng, không có khả năng thu hồi, kéo theo đó là khả năng thanh toán chắc chắn sẽ giảm. Khủng hoảng trong thanh toán chính là nguyên nhân dễ dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng. Nhất là với nợ xấu tăng cao còn làm suy giảm năng lực tài chính của ngân hàng, ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực tài chính.

Ngoài ra, nợ xấu gia tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận của ngân hàng sẽ suy giảm. Khi ngân hàng không đạt được kế hoạch lợi nhuận với những khoản nợ khó đòi trong nhiều quý và chính ngân hàng cũng trở thành những con nợ với những khoản nợ khổng lồ và buộc phải đi đến kết cục bị phá sản hay bị thôn tính sáp nhập.

Sau Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, chiều 26/4, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) đã họp và bầu ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, VietBank đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh tăng trưởng, tổng dư nợ cấp tín dụng (tăng 21%), tổng huy động vốn (tăng 30%) so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính 2021, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đạt 3,65%, cao gấp 2,08 lần so với năm 2020 (1,75%). Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu thời điểm cao nhất đạt mức 4,3% (quý I/2023) – tức tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 1,3% vượt mức “ngưỡng trần”mà Ngân hàng nhà nước từng đặt ra.

Bằng phương thức nào VietBank có thể “bơm tiền” cho các doanh nghiệp “họ Hoa Lâm” ?

Theo thông tin của phóng viên, VietBank và Tập đoàn Hoa Lâm có mối liên hệ mật thiết khi ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VietBank cũng chính là con trai bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.

Nhìn vào lịch sử kinh doanh có thể thấy rõ quá trình VietBank trở thành “máy bơm tiền” cho các doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm”. Đáng chú ý, gần đây VietBank liên tục cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm” nói trên.

Vào ngày 20/7/2023, Vietbank đã chấp thuận thông qua giao dịch cấp tín dụng giữa Ngân hàng này với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La.

Tổng cấp tín dụng là 176 tỷ đồng, khoản vay này được Vietbank thông tin là nhằm hoàn tiền chi phí lưu động cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City, thời hạn vay là 2 năm. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 108 thuộc phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, chủ sở hữu: Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm 1, để bảo đảm cho khoản vay 86 tỷ đồng của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City tại Vietbank.

Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La (là chủ sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City) cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City tại mọi thời điểm khi Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City mất khả năng thanh toán.

A5- ANH 20.7 VA 29.6
Ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vietbank ký văn bản thông qua cấp tín dụng cho doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm”. (Nguồn: VietBank)

Trước đó, ngày 29/6/2023, Vietbank cũng thông qua việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside, được đảm bảo bằng loạt quyền sử dụng đất và bất động sản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri – La.

Cụ thể, khoản tín dụng gần 492 tỷ đồng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-15; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.

Khoản tín dụng gần 1.665 tỷ đồng được đảm bảo bằng bất động sản tại các thử đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Các tài sản đảm bảo nêu trên đều có chủ sở hữu là Y tế Hoa Lâm Shangri – La.

Đáng chú ý, ngày 28/6/2023 – trước đó 1 ngày, quyền sử dụng đất của 8 thửa đất số đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đã được VietBank chấp thuận thay thế tài sản đảm bảo cho khoản tín dụng gần 100 tỷ đồng của CTCP Kingdom Đông Dương và một khách hàng nữ là bà Nguyễn Thị Ba.

A6 - 28.6.2023
Ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vietbank ký văn bản thông qua cấp tín dụng cho doanh nghiệp thuộc “họ Hoa Lâm”. (Nguồn: VietBank)

Công ty TNHH TML Riverside được thành lập vào năm 2013, với tên gọi cũ là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm. Ngành nghề hoạt động chính của Công ty này là bệnh viện, trạm y tế. Cả TML Riverside, Y tế Hoa Lâm Shangri – La và Kingdom Đông Dương đều là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm.

Huy động hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu và tăng vốn sau khi cấp hơn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp Tập đoàn Hoa Lâm

Ngày 6/7/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín – VietBank đã công bố báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 (đợt 2), khi bán thành công 190.000 trái phiếu (tương đương giá trị phát hành 1.900 tỷ đồng).

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo lãi suất và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của VietBank theo quy định hiện hành. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là mỗi năm một lần. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và cộng biên độ 3,5% vào 2 năm cuối.

Theo báo cáo của VietBank, lô trái phiếu này được một nhà đầu tư cá nhân trong nước mua trọn 100%.

Nguồn: BCTC tại VietBank.

Trước đó, tháng 7/2022, VietBank được UBCKNN chấp thuận chào bán ra công chúng 300.000 trái phiếu, tương đương 3.000 tỷ đồng và chia thành 3 đợt chào bán. Tại đợt một phát hành, ngân hàng này đã chào bán 100.000 trái phiếu nhưng chỉ bán thành công 10.000 trái phiếu mã VBB122033, tương đương 100 tỷ đồng. Số trái phiếu còn lại bao gồm 90.000 trái phiếu được ngân hàng chuyển sang chào bán trong đợt hai vừa được thông báo.

Như vậy, việc huy động gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu diễn ra trong bối cảnh Vietbank vừa cấp vốn 2.100 tỷ đồng cho các doanh nghiệp “họ hàng” của Tập đoàn Hoa Lâm.

Trong diễn biến khác, ngày 25/7/2023, Vietbank được chấp thuận tăng vốn điều thêm tối đa 1.003 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên mức 5.780 tỷ đồng. ĐHĐCĐ 2023 của VietBank, ngân hàng dự kiến phát hành 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới).

Đáng chú ý, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín cũng vừa bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 14/8.

Sau gần 2 năm, VietBank mới chính thức có Tổng giám đốc mới. Từ tháng 10/2021 đến nay, VietBank khuyết chức danh này, vì vậy vị trí quyền Tổng giám đốc đã được kiêm nhiệm bởi ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Chủ tịch HĐQT.

Ban lãnh đạo Vietbank trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc đối với bà Trần Tuấn Anh.

Bà Trần Tuấn Anh (SN 1976) là cử nhân tài chính, tín dụng trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và Thạc sỹ Luật, chuyên ngành Luật kinh tế Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Bà tham gia công tác tại Vietbank từ tháng 7/2023 với vai trò trợ lý Chủ tịch HĐQT. Bà có gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó phòng Dịch vụ địa ốc, Trưởng ban Pháp chế tại Ngân hàng HDBank; Trợ lý Tổng giám đốc kiêm Trưởng phòng Pháp chế, Thành viên HĐQT chuyên trách kiêm Phó Tổng giám đốc tại Ngân hàng Bản Việt; Phó Tổng giám đốc, Quyền Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Ngân hàng Kiên Long….

Theo thông tin, VietBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm được thành lập theo quyết định số 2391/QĐ-NHNN vào ngày 14/12/2006.

Vietbank có trụ sở chính và địa bàn hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng. Khi đó, cổ đông sáng lập là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.

Tiền thân nhóm cổ đông sáng lập ra VietBank là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (thường được gọi là bầu Kiên). Đến năm 2019 nhóm bầu Kiên đã thoái lượng lớn cổ phần của Vietbank. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thông báo đã hơn 6,6 triệu cổ phiếu Vietbank, tương đương 2,035% vốn điều lệ trong thời gian 6/12/2018 đến 6/1/2019.

Sau khi nhóm “bầu Kiên” ra đi tại VietBank, sự hiện diện của nhóm của nữ đại gia Trần Thị Lâm của Tập đoàn Hoa Lâm xuất hiện tại VietBank. Trước đó, từ tháng 9/2006, ông Dương Ngọc Hòa – Tổng giám đốc Hoa Lâm (chồng bà Trần Thị Lâm) làm Chủ tịch VietBank.

Hiện tại, vị trí Chủ tịch VietBank là ông Dương Nhất Nguyên, con bà Lâm. HĐQT VietBank gồm: Ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên HĐQT độc lập và 3 Thành viên HĐQT gồm: Bà Lê Thị Xuân Lan, bà Lương Thị Hương Giang và bà Quách Tố Dung.  

Ông Dương Nhất Nguyên hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)

Ông Dương Nhất Nguyên (SN 1983) là người trẻ nhất trong HĐQT VietBank. Theo giới thiệu, ông Nguyên đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính và ngân hàng. Trước khi về VietBank, ông Nguyên từng giữ các vị trí điều hành, quản lý tại nhiều doanh nghiệp (Giám đốc đầu tư Công ty CP ĐT PT Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm) và điều hành nhiều dự án lớn của Tập Đoàn Hoa Lâm.

Ông Nguyên tham gia Ban Điều hành VietBank từ tháng 1/2013 với vị trí Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2013 đến nay, ông Nguyên từng kinh qua các vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT VietBank nhiệm kỳ 2016-2020.  

Theo Thảo Nguyên/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/chuyen-ty-le-no-xau-vuot-nguong-tran-va-huy-dong-hang-nghin-ty-dong-tu-trai-phieu-p47903.html