QC 1
Chủ nhật, ngày 16/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vinaconex bán vốn, rút khỏi dự án cảng nghìn tỷ ở Quảng Ninh

Vinaconex sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ 2 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cảng Vạn Ninh trước ngày 20/6/2024. Lý do thoái vốn hiện không được tiết lộ.

Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinconex, HoSE: VCG) đã công bố quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư tại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh. Theo đó, ‘ông lớn’ ngành xây dựng sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ 2 triệu cổ phần đang sở hữu cho các nhà đầu tư quan tâm. Tiến độ hoàn thành giao dịch trước ngày 20/6/2024. Tuy nhiên, lý do thoái vốn không được tiết lộ.

Quyết định chuyển nhượng vốn góp của Vinaconex

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vinaconex ghi nhận, tại ngày 31/3, doanh nghiệp này đang nắm 40% cổ phần tại Công ty Cảng quốc tế Vạn Ninh với giá trị phần vốn góp là 198,7 tỷ đồng.

Thông tin về phần vốn góp của Vinaconex tại Công ty Cảng quốc tế Vạn Ninh

Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh được thành lập vào năm 2018, đặt trụ sở tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bốc xếp hàng hoá. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, là công ty con do Công ty CP Dương Đông – Sài Gòn (nay là Công ty CP Tập đoàn Dương Đông) nắm giữ 65% vốn, tương đương 325 tỷ đồng. Hai cổ đông sáng lập khác là ông Lê Tuấn Long và ông Dương Văn Thành, lần lượt góp 20% và 15% vốn. Tháng 9/2021, Vinaconex mua lại 40% cổ phần của doanh nghiệp này song không công bố số tiền đã chi.

Công ty Cảng quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư của dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1). Dự án có quy mô gần 83ha với tổng đầu tư lên tới 2.248 tỷ đồng, nằm trong cụm cảng Vạn Ninh – Vạn Gia thuộc cảng biển Quảng Ninh.

Theo mô tả trên website của Vinaconex, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh là 1 trong chuỗi 4 dự án động lực tăng trưởng dài hạn của tỉnh Quảng Ninh, được kỳ vọng không chỉ là điểm trung chuyển hàng hoá trong nước mà còn giữ vai trò cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc, các nước Đông Bắc Á với Việt Nam và ASEAN, mở ra những cơ hội và thành tựu mới cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Với bến cầu chính dài 500m, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau. Phía trong cảng là bến sà lan dài 180m, tiếp giáp bờ cùng hệ thống 3 cầu dẫn. Hạ tầng sau cảng sẽ có đường nối dài hơn 2km; khu kho, bãi hàng tổng hợp và container, kho CFS; nhà điều hành cảng cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng điện, nước và xử lý môi trường…

Phối cảnh dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh

Tháng 10/2021, dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh chính thức được khởi công, dự kiến hoàn thành trong quý IV năm nay.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Báo Quảng Ninh, tính đến thời điểm hiện tại, tổng khối lượng thực hiện các hạng mục đang rất thấp, dự án mới cơ bản hoàn thành công tác nạo vét, bơm cát san lấp nền bãi dự án, thi công tuyến đê bao…

Lý giải vấn đề này, ông Vũ Minh Tuấn – Giám đốc Công ty Cảng quốc tế Vạn Ninh cho hay, nguyên nhân là do điều kiện khu vực thi công trên biển khắc nghiệt, thường xuyên có sóng to, gió lớn, dòng chảy xiết; nguồn vật liệu cần để san lấp mặt bằng và làm đường giao thông khan hiếm, dẫn đến công tác thi công không liền mạch. Cũng do thiếu nguồn vật liệu san lấp nên thiếu đường công vụ, thiếu mặt bằng thi công, khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn.

Theo Hà Lê/Vietnam Finance