QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc như thế nào?

Theo các nhà khoa học, đại dịch COVID-19 rồi sẽ chấm dứt, ngay cả khi biến thể Omicron đang làm phức tạp tình hình. Nhưng mọi thứ không đơn giản như trước: thế giới sẽ phải học cách sống chung với virus SARS-CoV-2.

Biến thể Omicron với khả năng dễ dễ lây lan đang thúc đẩy các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu, nhưng giới chuyên gia cho rằng thế giới sẽ không phải bắt đầu cuộc chiến lại từ đầu.

Các loại vaccine sẽ cung cấp cho nhân loại khả năng tránh mắc các triệu chứng nặng, dù không thể ngăn virus xâm nhập vào cơ thể. Biến thể Omicron dường như không gây chết người như một số biến thể trước đó.

Các bệnh nhân sau đó sẽ hình thành một số biện pháp miễn dịch mới chống lại các dạng biến thể khác vẫn đang lưu hành và những biến thể trong tương lai.

“Omicron là một lời cảnh báo về những gì sẽ tiếp tục xảy ra, trừ khi chúng ta thực sự nghiêm túc về kết cục của đại dịch”, Tiến sĩ Albert Ko, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ) cho biết. “Chắc chắn COVID-19 sẽ không biến mất.”

Trong tương lai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ xác định thời điểm có đủ các quốc gia đã kiểm soát được dịch, hoặc ít nhất là giảm thiểu số nhập viện và tử vong, để tuyên bố chính thức kết thúc đại dịch.

Ngay cả khi điều đó xảy ra, một số khu vực trên thế giới vẫn sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là các quốc gia có độ bao phủ vaccine thấp.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Stephen Kissler định nghĩa kết cục của đại dịch là khi thế giới đạt đến “một số trạng thái ổn định có thể chấp nhận được để đối phó với COVID-19.”

“Cuộc khủng hoảng Omicron cho thấy chúng ta vẫn chưa được thấy hồi kết. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt đến một thời điểm mà COVID-19 là dịch bệnh lưu hành giống như bệnh cúm”, ông Kissler nhận định.

Tiến sĩ Amesh Adalja từ Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết: “Chúng ta sẽ không quay trở lại thời điểm năm 2019. Mọi người phải suy nghĩ về khả năng chấp nhận rủi ro.”

Còn theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết chính phủ nước này đang tìm cách kiểm soát dịch bệnh theo hướng “không làm gián đoạn xã hội, không phá vỡ nền kinh tế.”

Chính quyền Biden tuyên bố có đủ công cụ – vaccine tăng cường, phương pháp điều trị mới và khẩu trang, để xử lý các làn sóng lây nhiễm mới.

Trong khi đó, Ấn Độ đã cho thế giới một cái nhìn sơ lược về việc đạt được mức ổn định là như thế nào. Quốc gia Nam Á này vẫn duy trì con số ca mắc mới ở mức dưới 10.000 trong vòng 6 tháng qua.

Omicron hiện đang thúc đẩy một làn sóng lây nhiễm mới và nước này sẽ tiêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế.

“Các bệnh lưu hành khác, chẳng hạn như cúm và sởi, thường gây ra các đợt bùng phát và COVID-19 sẽ tiếp tục bùng phát thường xuyên”, Tiến sĩ T. Jacob John, cựu trưởng khoa virus học tại trường Cao đẳng Y tế Christian (Ấn Độ), cho biết.

Omicron bị đột biến cực kỳ nghiêm trọng đến mức nó đang vượt qua một số biện pháp bảo vệ của vaccine và hệ miễn dịch cơ thể.

Có một kịch bản mà nhiều chuyên gia đều đồng thuận: trong thời kỳ hậu đại dịch, virus SARS-CoV-2 sẽ gây bệnh ở các cấp độ cho mọi người, tùy vào thể trạng, tình trạng tiêm chủng.

Các biến thể mới sẽ còn xuất hiện và nhân loại sẽ phải điều chỉnh vaccine cho phù hợp.

Nhưng hệ thống miễn dịch của con người sẽ tiếp tục nhận biết và học cách chống lại virus. Nhà miễn dịch học Ali Ellebedy từ Đại học Washington (Mỹ) bày tỏ hy vọng vào khả năng ghi nhớ của cơ thể và tạo ra nhiều lớp bảo vệ.

Tế bào lympho B trong tủy xương với khả năng ghi nhớ sẽ sẵn sàng hoạt động và sản xuất thêm kháng thể khi cần thiết.

Kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học Australia và Hong Kong (Trung Quốc) công bố ngày 2/1 cho thấy các tế bào T – tuyến phòng thủ thứ hai trong hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại biến thể Omicron.

Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi Omicron và các biến thể khác có thể khả năng thoát khỏi các kháng thể, tế bào T vẫn kích hoạt phản ứng mạnh mẽ và mang lại sự bảo vệ đáng kể giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

“Nhân loại đã không còn như hồi tháng 12 năm 2019. Năm 2020 giống như một vụ cháy rừng sau đợt hạn hán. Còn giờ, khu rừng đã đủ ẩm ướt để lửa khó lan hơn”, ông Ellebedy ví von. “Sau này, bệnh nhân COVID-19 chỉ cần cách ly 2-3 ngày rồi tiếp tục cuộc sống. Đó sẽ là kết cục của đại dịch.”

Theo Bắc Hiệp/Ngày Nay/AP

Nguồn: https://ngaynay.vn/dai-dich-covid-19-se-ket-thuc-nhu-the-nao-post116781.html