QC 1
Chủ nhật, ngày 16/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Điều kiện đặc biệt để hưởng lãi suất tiết kiệm 9,5%/năm

Trong khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn thấp thì một số ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất cao, có nhà băng đưa ra mức lãi suất cao nhất tới 9,5%/năm. Nhưng để được hưởng lãi suất này, người gửi tiền phải đảm bảo một số điều kiện đặc biệt.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất tới 9,5%/năm

Lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng tăng trở lại sau chuỗi giảm sâu kỷ lục từ cuối năm 2023. Bắt đầu từ cuối tháng 3, lãi suất huy động được một số ngân hàng điều chỉnh tăng. Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm khá rầm rộ trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, có tổng cộng hơn 20 ngân hàng thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức điều chỉnh 0,1 – 0,5%/năm. Thậm chí, có ngân hàng tăng lãi suất huy động tới gần 1%/năm so với trước đó.

Lãi suất huy động dưới 6 tháng của nhiều ngân hàng đang tiến sát mốc 5%/năm. Còn lãi suất huy động trên 6%/năm đã xuất hiện trở lại ở một số ngân hàng sau một thời gian vắng bóng, với kỳ hạn trên 6 tháng.

Đáng chú ý, ngày 20/5, HDBank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 15-18 tháng thêm 0,3 điểm%, vượt 6%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất dành cho tiền gửi thông thường của HDBank đã tăng lên 6,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Đây cũng là mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

HDBank là ngân hàng thứ ba trên thị trường duy trì mức lãi suất từ 6%/năm cho khách hàng gửi tiền. Trước đó, hai ngân hàng là OceanBank và OCB duy trì mức lãi suất này nhưng ở kỳ hạn dài. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng tại OCB là 6%/năm, còn OceanBank duy trì mức lãi suất 6% và 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động cao hơn. Nhưng để được hưởng mức lãi suất này, người gửi tiền phải gửi số tiền lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ngoài các mức lãi suất nói trên, HDBank vẫn duy trì lãi suất đặc biệt cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng, lần lượt lên đến 7,7% và 8,1%/năm.

Như vậy, ngay cả lãi suất đặc biệt cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng thêm 0,1% đối với kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng gửi tiết kiệm số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.

Bên cạnh HDBank, một số nhà băng khác cũng đang duy trì chính sách lãi suất đặc biệt là MSB, Dong A Bank, ACB, PVCombank,…

Trong gần 30 ngân hàng trên hệ thống, lãi suất của PVcomBank đang dẫn đầu thị trường ở kỳ hạn 12-13 tháng khi niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 9,5%/năm đối với sản phẩm tiết kiệm đại chúng. Nhưng mức lãi suất này chỉ áp dụng với gửi tiết kiệm tại quầy cho số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Dong A Bank cũng áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” khi gửi tiền từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,5%/năm.

MSB cũng áp dụng mức “lãi suất đặc biệt” với tiền gửi tại quầy ngân hàng lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng.

“Lãi suất đặc biệt” tại ACB hiện là 5,6%/năm khi gửi tiền vào kỳ hạn 13 tháng (lãi suất thông thường là 4,4%/năm).

Tại Nam A Bank, lãi suất tiết kiệm mới nhất tháng 5 khi gửi online 18 tháng có lãi suất cao nhất 6,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Nhưng số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên và cần được tổng giám đốc ngân hàng này phê duyệt.

Trước đó, ABBank công bố “lãi suất đặc biệt” lên đến 9,65%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng với số tiền tiết kiệm tối thiểu 1.500 tỷ đồng. Song từ tháng 5, ngân hàng này đã cắt bỏ thông tin về lãi suất đặc biệt trong biểu lãi suất.

Một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, SeABank, ACB đang áp dụng chính sách lãi suất bậc thang tuỳ theo số tiền gửi hoặc mặc định cộng thêm lãi suất cho khách hàng khi gửi từ 100 triệu đồng.

Như vậy, trả lời cho câu hỏi “lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất” hiện nay thì với hình thức gửi tiền thông thường, không đi kèm điều kiện, HDBank đang là ngân hàng trả lãi suất cao nhất ở mức 6,2%/năm cho kỳ hạn gửi 18 tháng. Còn với lãi suất đặc biệt, PVCombank là nhà băng trả lãi suất cao nhất với mức 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng, áp dụng khi gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhưng không nhiều

Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tăng trở lại là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm, cộng với tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, nhất là khi room tín dụng đã được NHNN giao 14% từ đầu năm.

Dù lãi suất đang có xu hướng tăng nhưng theo nhiều dự báo, mức tăng từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều và sẽ nhích dần lên theo từng quý.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng 70 – 100 điểm % từ giờ đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động có thể phục hồi trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Fed.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tăng diễn ra gần đây chủ yếu ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục cho thấy.

Các chuyên gia của BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm hướng ra các kênh đầu tư tích lũy khác như: bất động sản, vàng, chứng khoán. Tuy vậy, tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp và các kênh đầu tư nói trên chưa hồi phục rõ nét, biến động khó lường.

Theo BVSC, với tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp, đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.

Theo nhiều chuyên gia, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Hiện Việt Nam đang áp dụng chính sách tiền tệ ngược với xu hướng chung của thế giới, lãi suất điều hành vẫn chưa tăng. Trong khi đó, áp lực tỷ giá được nhận định sẽ còn tăng lên.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá VND mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm 2024. Do áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại.

Gần đây, NHNN đã có những động thái nhằm ổn định tỷ giá như ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở.

Theo Minh Dũng/ VietnamFinanace