QC 1
Thứ 6, ngày 26/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp vận tải ‘mệt mỏi’ vì xét nghiệm

Các lái xe vận tải chưa kịp “hoàn hồn” về quy định muốn chở hàng đến cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) phải xét nghiệm COVID-19 tới 3 lần, mới đây, UBND TP Móng Cái đã ra thông báo áp dụng lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng PCR (mẫu gộp) đối với hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ông Lê Duy Hiệp, việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm 3 lần cho cùng một chuyến hàng đang gây khó cho doanh nghiệp và lái xe. Đặc biệt, việc yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp PCR trước khi lái xe rời cửa khẩu Móng Cái dù đã giao xong hàng hóa, nên phải chờ 6-10 giờ mới được rời đi, không chỉ gây phát sinh chi phí lớn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu tiếp tục áp dụng quy định cứng nhắc này, mọi nỗ lực vận tải hàng hóa của doanh nghiệp sẽ bị “đóng băng”.

Lý giải thực tế trên, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc xét nghiệm hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm ngăn nguy cơ Trung Quốc đóng cửa khẩu. Trước đó, Trung Quốc đã tạm dừng 7 ngày hoạt động nhập khẩu thanh long đi qua cửa khẩu Móng Cái do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc hoa quả. Gần đây, Trung Quốc cũng liên tục đưa ra động thái siết chặt nhập khẩu, kiểm dịch hàng Việt Nam.

Vì vậy, TP Móng Cái quy định: Từ ngày 22/9, Ban Quản lý Cửa khẩu Móng Cái chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố, Chi hội xuất nhập khẩu Thương mại và Tổng hợp (Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố) phải lấy mẫu thử nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR (mẫu gộp) đối với hàng hóa và phương tiện đến từ vùng dịch chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lối mở Cầu phao Km3 + 4 Hải Yên. Vị trí lấy mẫu cụ thể là tay nắm cửa sổ, vô lăng, thành container, bề mặt bao bì, bao bì đóng gói, hàng hóa…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân biên giới tự chịu trách nhiệm và phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của Thành phố. UBND TP Móng Cái giao Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái làm đầu mối lập danh sách xe, hàng hóa đến từ vùng dịch cần phải xét nghiệm và thông báo tới các đối tượng xét nghiệm.

Không chỉ gặp khó ở Quảng Ninh, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại nhiều địa phương cũng phản ảnh tình trạng tương tự. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài yêu cầu giấy xét nghiệm PCR âm tính còn giá trị trong 72 giờ, lái xe bắt buộc phải test nhanh. Hay tại Lạng Sơn, TP Hải Phòng… vẫn tiếp tục siết chặt quy trình này, chỉ chấp nhận các lái, phụ xe vận chuyển hàng hóa có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính bằng phương pháp RT-PCR tại tất cả các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm.

Trước những phản ánh này, mới đây, tỉnh Hưng Yên phải điều chỉnh thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR đối với người vào tỉnh là 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, thay vì 48 giờ như trước. “Cần có văn bản thống nhất để các địa phương không được đẻ thêm các giấy phép con, không được ban hành các quy định ảnh hưởng đến bài toán lưu thông chung và ảnh hưởng tới vận tải tại các địa phương khác như một số địa phương hiện nay”, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, ông Phùng Anh Tuấn đề xuất.

Trước đó, TP Cần Thơ yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải “đăng ký trước” và “sang xe, đổi tài” tại bãi tập kết, trong khi các lái xe đã phải đáp ứng nhiều thủ tục giấy tờ để được hoạt động trong thời điểm khó khăn. Điều này đã dẫn đến nguy cơ “luồng xanh” bị tắc nghẽn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ khi dịch bùng phát và diễn biến phức tạp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, nếu một lái xe có hoạt động cả 30 ngày/tháng sẽ phải thực hiện 10 lần xét nghiệm với chi phí khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đó là test nhanh, trường hợp phải test PCR thì chi phí cao hơn. Vì vậy, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan tạo điều kiện cho đội ngũ lái, phụ xe được ưu tiên tiêm vaccine theo Nghị quyết 21 của Ban Bí thư hoặc có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải. Đặc biệt các địa phương cần khắc phục tình trạng mỗi nơi lại có những “quy định riêng”, gây khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa, không thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ.

“Việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có nguyên tắc thống nhất giữa các địa phương và áp dụng công nghệ, để giảm thiểu tới mức thấp nhất số lượt phương tiện phải dừng, chờ xét nghiệm. Phương tiện đi từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc hoặc qua trạm của các địa phương nơi phương tiện xuất phát. Khi đã kiểm tra xong nhập dữ liệu vào hệ thống “luồng xanh” để các trạm khác không kiểm tra nữa. Việc giám sát phương tiện không được dừng đỗ ở nơi không được phép được thực hiện qua hệ thống camera giám sát hành trình. Cả nước hiện có khoảng 1,3-1,5 triệu lái xe ô tô kinh doanh vận tải, với hơn 1 triệu lái xe vận chuyển hàng hóa các loại, ước tính xét nghiệm chiếm 70-80% chi phí phòng dịch của một doanh nghiệp. Đây là khoản chi phí lớn đối với doanh nghiệp vận tải hiện nay”, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định.

Theo PV/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/doanh-nghiep-van-tai-met-moi-vi-xet-nghiem-post113015.html