QC 1
Thứ 4, ngày 15/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp Việt đang bơi trong dòng xoáy khó khăn

Trong lúc tình hình kinh tế đang bị ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, các doanh nghiệp cũng phải đối đầu với nhiều thách thức…

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại diễn đàn

Ngày 8/8/2023, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức đã diễn ra, với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”.

Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Trong khi hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài, thì xung đột Nga – Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt…

Tất cả khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao và kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, 52 quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực… ngày càng gia tăng.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.

Việt Nam đang chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua.

Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập…

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Hơn thế, điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất – kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…

Đánh giá tình hình kinh tế, tại diễn đàn ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định: “Nhìn về nửa cuối năm, nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế như thể chế, pháp lý, môi trường kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, kinh tế thế giới nửa cuối năm vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường. Thị trường tài chính toàn cầu tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định đang làm khó các nhà đầu tư”.

Không chỉ nửa cuối năm, theo dự báo của ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế.

Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo ông Trần Quốc Phương, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài…

“Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất – kinh doanh và đầu tư”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm.

Theo Phan Mỹ/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/doanh-nghiep-viet-dang-boi-trong-dong-xoay-kho-khan-post534660.html